Mỹ thử laser "nướng" máy bay không người lái từ mặt đất
Vừa chuẩn bị hoàn tất đợt triển khai hệ thống di động chống máy bay không người lái (drone) ở Trung Đông, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ vừa phát triển laser đặt trên xe mặt đất với mục tiêu “nướng chín” drone đang bay tới, Breaking Defense đưa tin ngày 26/6.
Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đang hoàn tất đợt triển khai đầu tiên hệ thống tích hợp phòng không biển hạng nhẹ ở Trung Đông. Được gắn trên hai chiếc xe Polaris MRZR chạy được mọi địa hình, hệ thống này có thể nhanh chóng vô hiệu hóa drone, gây nghẽn mạch bằng cách can thiệp điện tử.
Lực lượng Mỹ đang thực hiện chương trình Hệ thống vũ khí laser nhỏ gọn (CLaWS). Đây là loại laser đầu tiên hoạt động trên mặt đất được Lầu Năm Góc phê chuẩn cho bộ binh sử dụng.
Trung tá Ho Lee, giám đốc sản phẩm của Hệ thống Vũ khí phòng không mặt đất, tuyên bố, chương trình CLaWS đã được phát triển, binh sĩ đã được đào tạo, hệ thống đã được thử nghiệm trong khoảng một năm và sẽ sớm được đưa vào hoạt động. “Chúng tôi đang phát triển mẫu rất nhanh, chuyển giao rất nhanh”, ông nói.
Cả lục quân và thủy quân lục chiến thử nghiệm
Hồi năm 2017, Boeing bắt đầu phát triển hệ thống laser mặt đất với các công suất 2 kW, 5 kW và 10 kW. Hiện chưa rõ lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đang thử nghiệm phiên bản nào.
Lục quân Mỹ đã lắp một phiên bản laser mặt đất lên xe thiết giáp đa dụng Stryker để thử nghiệm ở châu Âu. Năm ngoái, thủy quân lục chiến Mỹ lắp hệ thống laser lên nóc xe chiến thuật hỗn hợp hạng nhẹ (JLTV).
Quân đội Mỹ muốn hệ thống laser mặt đất này trở thành một phần của hệ thống phòng không tích hợp quy mô lớn để bảo vệ binh sĩ Mỹ trên chiến trường khỏi bị các loại drone tinh vi hoặc tự chế của đối phương tấn công.
Chiến lược quốc phòng của Lầu Năm Góc ưu tiên hiện đại hóa quân đội, bảo vệ binh sĩ, cạnh tranh với Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện có 15.000 lính Mỹ ở Afghanistan, 5.000 quân ở Iraq, khoảng 2.000 lính ở Syria, tất cả đều trong tầm tấn công của drone loại nhỏ, tự chế của phiến quân hoặc các lực lượng thù địch khác.
Ở Syria, drone do Iran sản xuất đã thả bom nhỏ xuống gần binh sĩ Mỹ và máy bay Mỹ đã buộc phải dùng phóng tên lửa tiêu diệt. Tuy nhiên, tên lửa rất đắt tiền, tạo ra sự mất cân đối chi phí theo hướng có lợi cho đối phương. Một drone rẻ tiền đổi lấy một tên lửa đắt tiền.
Các chiến binh IS ở Syria và Iraq lâu nay cũng đã vũ khí hóa các loại drone thương mại cỡ nhỏ để thả bom đạn xuống binh sĩ Iraq và các tay súng do Mỹ hậu thuẫn – những người không có hoặc có rất ít phương tiện để bảo vệ mình. Taliban từng quay phim các cuộc tấn công các tiền đồn ở Afghanistan bằng drone.
Thiếu tướng Felix Gedney, cựu phó chỉ huy các lực lượng Mỹ và liên quân ở Iraq và Syria giai đoạn 2017-2018, nói rằng, đối phương luôn phát triển các hệ thống tấn công từ trên không và lính Mỹ trên mặt đất cần được bảo vệ khỏi nguy cơ đó.
Xe Stryker trang bị laser chống drone đang được thử nghiệm. Ảnh: Defense News.
Theo Thái An
Tiền phong