1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ thay đổi kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở Đông Âu?

(Dân trí) - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Fried ngày 17/10 cho biết Mỹ có thể thay đổi phương thức triển khai lá chắn tên lửa ở Đông Âu nếu Iran ngừng làm giàu uranium trong chương trình hạt nhân của họ.

Phát biểu với giới phóng viên ở Brussel, Trợ lý Fried nói: "Mối quan ngại thực sự của chúng tôi không phải là Nga. Lá chắn trên chỉ nhằm "đối phó với vấn đề lớn khó giải quyết hiện nay mà chúng tôi nhận thấy đang ngày càng nghiêm trọng - vấn đề Iran... Đây là một hệ thống nhằm mục đích răn đe và chúng tôi sẽ thay đổi nếu Iran từ bỏ việc làm giàu (uranium) và hợp tác với cộng đồng quốc tế, và sẽ có được một phương thức khác để giải quyết mọi việc".

 

Cùng với Trung Quốc, Nga đã ngăn chặn những nỗ lực nhằm áp đặt các biện pháp mới trừng phạt Iran về chương trình hạt nhân của nước này, mà các nước phương Tây lo sợ là được dùng như một vỏ bọc để chế tạo bom nguyên tử.

 

Ngava cũng kịch liệt phản đối các động thái của Mỹ nhằm mở rộng lá chắn tên lửa quy mô lớn của họ ở châu Âu bằng cách lắp đặt 10 lá chắn tên lửa ở Ba Lan và một trạm rađa theo dõi ở Cộng hòa Séc.

 

Trước đó, ngày 16/10, phát biểu trên phương tiện truyền thông Iran trong chuyến thăm mang tính bước ngoặt tới Tehran, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: "Các cuộc tiếp xúc với phía Mỹ mới đây nhất cho thấy khả năng Washington có sự thay đổi nhất định về quan điểm của họ. Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại".

 

Sáng 17/10, ông Putin đã đưa ra một đề xuất nhằm phá vỡ bế tắc về chương trình hạt nhân của Iran, nhưng lại không tiết lộ các chi tiết.

 

Trong khi Washington khẳng định lá chắn phòng thủ của họ là cần thiết để đề phòng những mối đe dọa của "các nước ngang ngạnh" như Iran hoặc CHDCND Triều Tiên thì Nga lại cho rằng, lá chắn đó sẽ đe dọa chính lực lượng tên lửa của họ.

 

Trợ lý Fried bác bỏ bất kỳ việc ngừng ngay lập tức công tác triển khai nào, nhưng cho hay tiến độ triển khai lá chắn này có thể chậm lại theo những điều kiện hợp lý. Ông nói: "Quan điểm của chúng tôi là sẽ tiếp tục đàm phán với Ba Lan và Cộng hòa Séc, song chúng tôi cảm thấy không cần phải chi tiền ngay vì một mối đe dọa đã lắng xuống".

 

Theo Fried, các quan chức Mỹ mà đứng đầu là Thứ trưởng Quốc phòng Eric Edelman và cả Trung tướng Henry Obering, chuyên gia hàng đầu về lá chắn tên lửa, cũng cung cấp cho các đồng minh NATO những số liệu mới về mối đe dọa của Iran.

 

Phía Nga lập luận rằng Iran không có tên lửa tầm xa đủ để gây nguy cơ đối với châu Âu, chứ chưa nói gì đến lục địa Mỹ, và lại càng không thể phát triển khả năng như vậy trong bất kỳ thời gian nào sớm nhất.

 

Những nhận xét của Fried được đưa ra khi nhà thương thuyết hạt nhân hàng đầu của Iran Ali Larijani sắp tiến hành vòng đàm phán mới với người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Javier Solana, để tìm ra giải pháp cho tình trạng bế tắc hạt nhân ở Rôm vào tuần tới.

 

Ông Solana, thay mặt cho các cường quốc lớn trên thế giới, đang cố gắng thuyết phục Tehran nối lại các cuộc thương lượng về biện pháp khuyến khích chính trị và kinh tế trọn gói để đổi lấy việc nước này ngừng chương trình hạt nhân của mình.

 

KV

Theo AFP