1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ sẽ cấp 220 tên lửa Tomahawk cho Australia

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt thương vụ bán các hệ thống tên lửa Tomahawk trị giá 895 triệu USD cho Australia.

Mỹ sẽ cấp 220 tên lửa Tomahawk cho Australia - 1

Tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ tàu khu trục của Mỹ (Ảnh: Wikimedia Commons).

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ ngày 16/3 cho biết, việc cung cấp 220 tên lửa Tomahawk cho Australia sẽ "hỗ trợ các mục tiêu chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ".

"Điều quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Mỹ là hỗ trợ đồng minh của chúng tôi phát triển và duy trì khả năng tự vệ mạnh mẽ và sẵn sàng", Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ nêu rõ, đồng thời cho biết Australia sẽ sử dụng các tên lửa do Mỹ cung cấp để phòng thủ trong nước và ngăn chặn "các mối đe dọa trong khu vực".

Tomahawk là tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến và tàu ngầm, cung cấp khả năng tấn công tầm xa.

Việc bán các tên lửa Tomahawk ban đầu được đề xuất trong khuôn khổ quan hệ đối tác an ninh AUKUS được ký kết giữa Mỹ, Anh và Australia vào tháng 9/2021. Cựu Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết các tên lửa này sẽ được trang bị trên các tàu khu trục lớp Hobart của Australia.

Lãnh đạo Mỹ, Australia, Anh ngày 13/3 công bố chi tiết thỏa thuận cung cấp tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia từ đầu những năm 2030, hay còn gọi là thỏa thuận AUKUS.

Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ bán cho Australia 3 tàu ngầm lớp Virginia bắt đầu từ đầu những năm 2030 và được mua thêm 2 chiếc nữa nếu cần thiết, sau đó chế tạo lớp tàu hoàn toàn mới dựa trên công nghệ của Mỹ và Anh. 

Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Australia sẽ được trang bị hệ thống phóng tên lửa hành trình thẳng đứng và dự kiến đưa vào biên chế đầu những năm 2040.

Ước tính, chi phí chế tạo và vận hành các tàu này đến giữa những năm 2050 có thể tiêu tốn của Australia từ 268 tỷ USD đến 368 tỷ USD.

Trung Quốc chỉ trích 3 nước đồng minh phương Tây kích động một cuộc chạy đua vũ trang, đồng thời cho rằng thỏa thuận AUKUS là "một trường hợp điển hình của tâm lý Chiến tranh Lạnh". 

Theo Bloomberg