1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ sai lầm đẩy Trung - Nga xích lại với nhau

Mỹ đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi đồng thời gây thù địch với cả Trung Quốc và Nga, và điều này đang khiến hai đối thủ chủ yếu của Mỹ xích lại gần nhau hơn, trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 17/11 dẫn nguồn trang tin Đa Chiều chuyên về chính trị Trung Quốc.

Ba nhà lãnh đạo Mỹ, Nga, Trung tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2014 ở Bắc Kinh (ảnh: AP)

Ba nhà lãnh đạo Mỹ, Nga, Trung tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2014 ở Bắc Kinh (ảnh: AP)

Washington tỏ thái độ cứng rắn với Mátxcơva sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát hồi đầu năm 2014. Mỹ dẫn đầu Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản áp đặt những lệnh trừng phạt nghiêm khắc chống Nga. Sự thiếu tin cậy giữa hai nước quá rõ ràng, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ tiếp xúc khoảng 20-30 phút tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh tuần trước và cũng không trao đổi nhiều. Ông Putin cũng chỉ trích Mỹ trước Hội nghị G20 tại Úc sau đó, cáo buộc Washington hủy hoại các thiết chế thương mại khi áp đặt các lệnh cấm vận chống Nga, một “sai lầm” đi ngược lại luật pháp quốc tế và các thỏa thuận thương mại.

Quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc cũng đang trong tình trạng căng thẳng. Bắc Kinh rất lo ngại chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Washington mà Trung Quốc coi là kế sách nhằm kiềm chế sự trỗi dậy cũng như ảnh hưởng của nước này. Bắc Kinh cho rằng, Mỹ không đủ sức ngăn cản kinh tế trỗi dậy, nên quay sang các biện pháp địa chính trị, ủng hộ Nhật Bản và tăng cường quan hệ với Philippines, trong khi lôi kéo các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Ấn Độ… Bắc Kinh ngày càng tỏ ra cứng rắn, không chịu thoái lui, đã đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông tháng 11/2013.

Theo Đa Chiều (trang tin của cộng đồng người Hoa ở hải ngoại), khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Obama ngay sau Hội nghị thượng đỉnh APEC, hai bên đều nói “tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác”, nhưng cả hai nhà lãnh đạo không đạt được bất cứ sự đồng thuận thực chất nào. Bối cảnh hiện nay có thể được xem như một sự cải thiện quan hệ, tuy nhiên lại phản ánh khả năng tất cả có thể chuyển sang tình trạng tồi tệ bất cứ lúc nào, Đa Chiều nhận định.

Mối quan hệ phức tạp giữa ba cường quốc Mỹ-Trung-Nga được Đa Chiều ví như ba nước Ngụy, Thục, Ngô tranh hùng trong truyện Tam Quốc. Cốt lõi của Tam Quốc là ba nước thiết lập một sự cân bằng quyền lực tinh tế và bất kỳ nước nào dám phá vỡ sự cân bằng này có thể sẽ chịu nguy cơ hai nước kia sẽ kết liên minh để chống lại. Tương quan giữa ba cường quốc Mỹ, Trung Quốc và Nga được coi ở trong tình trạng cân bằng tương tự, nhưng Bắc Kinh và Mátxcơva đang tăng cường quan hệ xích lại khăng khít hơn do hành động của Washington phá vỡ trạng thái cân bằng đó, Đa Chiều bình luận.

Kịch bản ác mộng

Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi đầu năm 2014, chiến dịch cấm vận của phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã đẩy tình hình kinh tế Nga vào khó khăn. Theo Bloomberg, doanh nghiệp Nga phát hành khoảng 165 tỷ bằng đồng USD và đồng euro tiền trái phiếu và vay nợ nước ngoài hơn 100 tỷ USD chưa trả. Giai đoạn 2009-2013 có tới 72,8% đầu tư trực tiếp vào Nga đến từ EU. Theo CNN, đồng nội tệ mất giá trong bối cảnh giá dầu liên tục giảm khiến ngân sách gặp khó khăn. Dự báo dòng vốn ngoại rút khỏi Nga sẽ đạt 128 tỷ USD năm nay, tăng 38 tỷ USD so với dự đoán trước đó. Lệnh trừng phạt của phương Tây khiến tỷ lệ lạm phát sẽ vượt 8% năm nay, cao hơn nhiều mục tiêu 5%.

Nhằm khắc phục khó khăn, Nga quay sang tìm kiếm sự bù đắp từ Trung Quốc. Ngân hàng trung ương hai quốc gia tháng trước ký một thỏa thuận trị giá 24,4 tỷ USD và cũng bổ sung các biện pháp thúc đẩy thuận lợi cho đầu tư trực tiếp qua biên giới. Trong dịp Hội nghị APEC, hai nước Nga-Trung cũng ký kết một loạt thỏa thuận thương mại và tài chính với tổng trị giá gần 10 tỷ USD. Ngoài ra, còn có hợp đồng bán khí đốt khổng lồ 400 tỷ USD trước đó và hàng chục hợp đồng, thỏa thuận đầu tư khác được ký.

Ngoài ra, Nga - Trung tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quân sự, tăng cường tập trận chung. Hai quốc gia còn ký thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực như sản xuất, vận tải và tài chính. Các doanh nghiệp Trung Quốc được phép tham gia vào thị trường tài chính Nga với quy mô lớn. Hai bên còn đàm phán xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc kết nối Mátxcơva với Bắc Kinh. Nhiều thỏa thuận lớn về năng lượng đang có những tiến triển quan trọng. Mới đây, ông Tập Cận Bình thông báo Trung Quốc sẽ dành 40 tỷ USD lập Quỹ Con đường Tơ lụa mới, được thiết kế nhằm thúc đẩy thương mại và vận tải kết nối khu vực châu Á.

Đa Chiều cho rằng, nếu xu hướng này tiếp diễn, rõ ràng Mỹ sẽ gặp một kịch bản “ác mộng” khi phải cùng lúc đương đầu với hai địch thủ đáng gờm, trong khi chứng kiến mình ngày càng bị gạt ra bên lề tại châu Á.

Theo báo Mỹ Los Angeles Times ngày 16/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây hành động như người mất niềm tin vào chính sách ngoại giao của phương Tây và tin rằng họ đang thúc đẩy chính sách thù địch với Nga. Chìa khóa để hiểu quan hệ giữa Nga và phương Tây hiện nay là phải hiểu được cảm giác bị phản bội của Nga sau khi NATO phá vỡ lời hứa không mở rộng ảnh hưởng sang Trung và Đông Âu.
 
Theo Thục Ninh
Tiền Phong