1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ rút 9.000 quân khỏi miền nam Nhật

(Dân trí) - Mỹ hôm nay cho biết sẽ rút 9.000 lính thủy đánh bộ ra khỏi Nhật Bản trong nỗ lực giảm căng thẳng bấy lâu về tương lai của một lượng lớn binh sỹ Mỹ hiện diện tại lãnh thổ của một trong những đồng minh châu Á hàng đầu của nước này.

Mỹ rút 9.000 quân khỏi miền nam Nhật
Căn cứ Futenma từ lâu đã là cái gai trong mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật.
 

Số quân được tái phân bổ sẽ được chuyển tới Guam (khoảng 5.000 quân), Hawaii và Australia. Kế hoạch rút quân mới đầu là một phần của kế hoạch chuyển căn cứ không quân ồn ã Futenma của Mỹ trên đảo Okinawa tới một khu vực khác của chuỗi đảo miền nam này song giới chức Mỹ sau đó đã quyết định tách riêng hai vấn đề do sự phản đối của dân chúng địa phương đối với việc di chuyển căn cứ ngày càng tăng cao.

 

Trong tuyên bố chung được Washington và Tokyo đưa ra, hai bên đã nhất trí vẫn cam kết chuyển căn cứ Futenma khỏi vị trí trong nội đô hiện nay tới một địa điểm ở ven biển. Việc di chuyển căn cứ bị nhiều người dân địa phương phản đối kịch liệt. Họ muốn căn cứ được chuyển hoàn toàn ra khỏi Okinawa.

 

Không có khung thời gian cụ thể được đưa ra cho việc di chuyển quân và tuyên bố chỉ cho biết “việc chuyển quân dự kiến được hoàn thành càng sớm càng tốt trong khi vẫn đảm bảo được khả năng hoạt động trong suốt quá trình”.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta ca ngợi thỏa thuận và ông cho rằng nó sẽ giảm gánh nặng cho người dân ở Okinawa. “Tôi rất vui mừng khi thấy sau nhiều năm chúng ta đã đạt được thỏa thuận và kế hoạch hành động quan trọng này”, ông cho hay.

 

Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba cho biết thỏa thuận phản ánh thực tế diễn tiến trong khu vực, vào thời điểm các nước châu Á và Mỹ ngày càng lo ngại về sức mạnh ngày càng lớn mạnh của quân đội Trung Quốc. “Những thay đổi trong môi trường an ninh không đợi chúng ta. Nhật và Mỹ phải gánh lấy trách nhiệm của mình, làm phần việc của mình và áp dụng kế hoạch nhanh chóng”, ông cho biết tại Tokyo.

 

Thỏa thuận được đưa ra ngay trước chuyến thăm Washington của Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda, trong đó ông dự kiến gặp Tổng thống Obama và thứ hai tới. Hai bên hi vọng cuộc gặp sẽ chứng tỏ rằng hai nước đồng minh đang trở lại đúng hướng.

 

“Tái cân bằng” về châu Á-Thái Bình Dương

 

Nhật và Mỹ từ lâu đã bất đồng về  Okinawa, nơi đã xảy ra nhiều vụ căng thẳng với lính Mỹ. Khoảng một nửa trong số 47.000 quân nhân Mỹ tại Nhật hiện đang đóng ở hòn đảo có vị trí chiến lược này, hòn đảo gần với Đài Loan hơn với Tokyo.

 

Năm 2006 Mỹ đã đồng ý chuyển căn cứ Futenma tới một dải đất ven biển yên tĩnh, do người dân địa phương từ lâu đã phàn nàn về những phiền toái mà căn cứ nằm trong khu dân cư đông đúc này gây ra. Dự kiến 8.000 lính thủy đánh bộ Mỹ rời Okinawa để tới Guam. Nhưng một số người dân ở Okinawa lại muốn căn cứ bị chuyển hoàn toàn khỏi đảo.

 

Bản mới của kế hoạch 2006 cần thiết để “lực lượng Mỹ đạt được một vị trí trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đó là được phân bổ hợp lý về địa lý, linh hoạt về hoạt động và bền vững về chính trị”, tuyên bố chung giữa hai nước cho hay.

 

Vướng mắc về Okinawa đã làm dấy lên nghi vấn về khả năng thực hiện chiến lược dịch chuyển lực lượng Mỹ từ các khu vực khác về châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Obama, để đối phó với chương trình hạt nhân Triều Tiên, sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc cùng với những tranh chấp lãnh thổ mới tại Biển Đông.

 

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Đây là cấu thành quan trọng trong việc tái cân bằng chiến lược hướng về khu vực châu Á-Thái Bình Dương của chúng tôi”.

 

Chính sách mới cũng nhấn mạnh tới mối quan hệ thân thiết hơn nữa với Philippines, Australia và Singapore.

 

Thỏa thuận đạt được cũng bao gồm một khoản cam kết bằng tiền mặt trị giá 3,1 tỷ USD của Nhật để chuyển quân Mỹ tới Guam cũng như phát triển huấn luyện chung ở Guam và trên Tinian cùng Pagan, thuộc quần đảo Bắc Marinana do Mỹ quản lý.

 

Trong thỏa tuận trước đó đối với việc chuyển quân tới Guam, Nhật cam kết hỗ trợ 6,1 tỷ USD, với 2,8 tỷ USD tiền mặt trong khi phần còn lại là các thỏa thuận tài chính khác. Hai bên đã nhất trí giới hạn số tiền xuống còn 3,1 tỷ USD do số lính Mỹ chuyển tới Guam được rút xuống.

 

Kurt Campbell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về châu Á Thái Bình Dương thừa nhận vẫn còn rất nhiều việc phải làm giữa hai nước, trong đó nổi bật là tìm được nơi thay thế Futenma.

 

Những vị trí được đề xuất thay cho Futenma trên bán đảo nhiệt đới nằm giữa các đảo chính của Nhật và Đài Loan này đã bị người dân địa phương phản đối kịch liệt. Song song với đó là Tokyo liên tục ở trong tình trạng xáo trộn chính trị, với 6 thủ tướng được thay trong 6 năm.

 

“Thỏa thuận này có trả lời được mọi câu hỏi? Chưa. Có cần phải giải quyết thêm? Chắc chắn”, ông Campbell cho hay.

 

Phan Anh

Theo AFP, Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm