1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ ra “đòn hiểm” với ngành công nghiệp vũ trụ Nga

Lầu Năm Góc cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị phóng tên lửa và vệ tinh của Nga, bắt đầu có hiệu lực từ năm 2023.

Mỹ ra “đòn hiểm” với ngành công nghiệp vũ trụ Nga                                 - 1

Tên lửa đẩy Proton-M ở sân bay vũ trụ Baikonur, Nga. (Ảnh: Sputnik)

Lầu Năm Góc cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị phóng tên lửa và vệ tinh của Nga, bắt đầu có hiệu lực từ năm 2023.

Quy định này sẽ áp dụng “các lệnh cấm bổ sung liên quan đến việc mua một số dịch vụ vệ tinh thương mại nước ngoài, như vệ tinh và phương tiện phóng” - theo thông báo của Lầu Năm Góc được công bố trên website của Cục Đăng ký Liên bang Mỹ hôm 30.5.

Mỹ hiện đang dựa vào tàu vũ trụ Soyuz của Nga để đưa các phi hành gia NASA vào không gian. Washington đã hợp tác với các công ty hàng không vũ trụ tư nhân SpaceX và Boeing để phát triển tàu vũ trụ riêng của mình. Hai hãng này được trao hợp đồng vào năm 2014 nhằm thực hiện sứ mệnh đưa tàu vũ trụ có người lái vào không gian vào năm 2017, nhưng các dự án bị chậm trễ và tàu vũ trụ vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.

Tàu con thoi Crew Dragon và Dragon của SpaceX đã được phóng thành công lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) nhưng không có phi hành đoàn.

Mỹ hồi đầu tháng này buộc phải mua ghế trên tàu Soyuz cho hai phi hành gia NASA để lên ISS.

Cơ quan hàng không vũ trụ Nga Roscosmos ra tuyên bố hôm 30.5, gọi động thái của Mỹ là một ví dụ rõ ràng về “cạnh tranh không lành mạnh”.

“Lầu Năm Góc đang cố gắng hạn chế một cách giả tạo việc sử dụng các phương tiện phóng của Nga trên thị trường quốc tế. Lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ lĩnh vực tàu vũ trụ thương mại” - RT trích tuyên bố của Roscosmos cho hay.

Cơ quan này cho rằng Lầu Năm Góc muốn phá huỷ tất cả các mối quan hệ của Nga-Mỹ trong lĩnh vực không gian. Động thái này không chỉ ảnh hưởng đến Nga mà còn có thể tác động tiêu cực đến sự hợp tác quốc tế trong việc tiến hành các vụ phóng tàu vũ trụ thường xuyên vào quỹ đạo trên cơ sở thương mại.

Theo Roscosmos, trớ trêu là lệnh cấm có thể đặc biệt ảnh hưởng đến NASA, vốn vẫn đang sử dụng tên lửa đẩy Soyuz của Nga để đưa phi hành gia vào vũ trụ. Mỹ chưa có tàu vũ trụ riêng sau khi chương trình tàu con thoi ngừng hoạt động vào năm 2011.

Theo Song Minh

Lao Động