Mỹ, phương Tây bất đồng trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine
Diễn biến tình hình tại Ukraine đang khiến giới lãnh đạo Mỹ và phương Tây phải xem xét lại khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev để chống lại lực lượng ly khai.
Nhiều quan chức cấp cao ở Mỹ đang hối hả đưa ra các đề xuất về việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến sẽ có chuyến công du tới Kiev trong tuần này để thảo luận với Chính phủ Ukraine về vấn đề nói trên. Ông Kerry sau đó sẽ tới Brussels để nhóm họp cùng các Bộ trưởng Quốc phòng NATO để thảo luận về vấn đề này.
Bấy lâu nay, các nhà lãnh đạo ở châu Âu và Mỹ luôn lớn tiếng rằng không thể giải quyết khủng hoảng Ukraine bằng "giải pháp quân sự”. Từ trước đến nay, Washington đã cung cấp hàng viện trợ phi sát thương cho Ukraine và luôn tìm cách trì hoãn đưa ra ý kiến về đề xuất cung cấp vũ khí sát thương cho Chính phủ nước này – gồm các loại súng trường và vũ khí chống tăng.
Nhưng giờ đây, ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi cung cấp vũ khí cho Ukraine để đối phó với đường lối cứng rắn của Nga. Sự thay đổi chính sách phản ánh lại cái mà giới chức Mỹ và phương Tây gọi là phương án nhằm đối phó với nước Nga, khi cáo buộc Moscow cung cấp vũ khí cho người ly khai ở miền Đông Ukraine, nhưng lại không có căn cứ xác thực. Sự việc xảy ra vào thời điểm sau khi các cuộc đàm phán ngừng bắn tổ chức hồi cuối tuần trước hoàn toàn sụp đổ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki hôm 2-2 nói rằng tình thế này xuất phát từ việc Mỹ đặc biệt quan ngại về tình trạng bạo lực leo thang trong các vụ đụng độ ở gần biên giới Ukraine-Nga trong những ngày gần đây. Lực lượng người ly khai đã tấn công vào các địa điểm đồn trú binh sỹ chính phủ Ukraine ở một thị trấn chiến lược hôm đầu tuần, bao vây hàng nghìn binh sỹ; trong khi vẫn tiếp tục huy động lực lượng.
Trong khi Mỹ và phương Tây luôn nói rằng họ vẫn theo đuổi các giải pháp ngoại giao, thì thực tế cho thấy chính quyền các nước này đang tìm cách hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc chiến ở miền Đông. Bởi vậy mà thời gian gần đây, nhiều chính phủ các nước phương Tây tiếp tục cáo buộc Nga gửi hàng nghìn binh sỹ sang Ukraine để chiến đấu bên cạnh lực lượng ly khai, song cáo buộc bị Moscow bác bỏ.
Ngoài ra, dường như đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều ngay trong nội bộ của các nước phương Tây và Mỹ. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tổ chức một cuộc họp tại Nhà Trắng hôm đầu tuần về vấn đề Ukraine, với sự có mặt của Thủ tướng Đức Angela Merkel, tuy nhiên Đức tuyên bố sẽ không cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev.
Còn Pháp hiện tại cũng không mấy mặn mà với đề xuất cung cấp vũ khí cho Kiev, nhưng họ cũng ở thế khó xử bởi mong muốn trở thành cầu nối giữa Nga và phương Tây để giải quyết khủng hoảng Ukraine bằng con đường ngoại giao.
Theo giới phân tích, ngay cả nội bộ nước Mỹ cũng đang tồn tại nhiều bất đồng về sự thay đổi đột ngột chính sách này. Paul Saunders, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lợi ích quốc gia Mỹ, nhận định rằng ngay cả Tổng thống Obama cũng đang trong thế khó xử bởi dường như ông không mặn mà với đề xuất cung cấp vũ khí cho Chính phủ Ukraine.
"Nếu các bạn nói về vấn đề Ukraine và đề xuất cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev để chống lại người ly khai, điều đó rõ ràng đồng nghĩa với việc nước Mỹ bị kéo vào một cuộc chiến ủy nhiệm với nước Nga. Và đó sẽ là một cuộc chiến dai dẳng” – ông Saunders nhận định.