Tại sao Mỹ nên ngừng can thiệp vào khủng hoảng Ukraine? (Kỳ cuối)
Cuộc xung đột tại Ukraine có thể sẽ tiếp tục trong một thời gian dài, với việc Kiev và lực lượng ly khai bị lôi cuốn vào một cuộc “chiến tranh nóng” quy mô nhỏ trong khi Mỹ và Nga bị mắc kẹt trong một cuộc Chiến tranh Lạnh ở phạm vi lớn hơn. Một cuộc đối đầu kéo dài như vậy sẽ là không có lợi đối với tất cả các bên, đặc biệt là Mỹ.
Mỹ đã có một “thói quen” là hay can thiệp một cách bừa bãi tại khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng kết quả đạt được lại khá ít. Hàng nghìn người Mỹ đã thiệt mạng, hàng chục nghìn người khác bị thương, hàng trăm nghìn người nước ngoài đã chết, và rất nhiều “cơn thịnh nộ” quốc tế đối với Mỹ đã nổ ra.
Có rất nhiều lý do để Mỹ nên rút khỏi những mâu thuẫn lộn xộn, bi thảm và đẫm máu hiện nay liên quan đến Ukraine và Nga.
4. Washington không bao giờ bảo đảm an ninh cho Ukraine
Trong thực tế, Washington đã cùng với Anh và Nga đưa ra một loạt các cam kết liên quan đến Ukraine. Nhưng không ai trong số họ muốn chiến tranh hạt nhân nổ ra. Trong ngắn hạn, Washington không có cam kết có ý nghĩa nào để sẵn sàng làm bất cứ điều gì thiết thực để giúp Kiev trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ví dụ, nếu chính quyền Clinton đã có ý định bảo vệ Ukraine, họ đã trình lên Thượng viện một hiệp ước hoặc buộc phải đồng ý cho Kiev gia nhập NATO trong năm 2014, nhưng cam kết mạnh mẽ của các chính trị gia tại Washington chỉ mang tính lý thuyết nhiều hơn là thực tiễn.
5. Vladimir Putin không phải là Hitler và Nga không phải là Đức Quốc xã
Ngay cả Thủ tướng Anh thời Thế chiến 2 Winston Churchill cũng từng thừa nhận rằng nhượng bộ là một chiến thuật hợp pháp. Trong năm 1950, ông tuyên bố rằng "từ "xoa dịu" không phải là phổ biến, nhưng "nhượng bộ" có vị trí của nó trong tất cả các chính sách". Ông cũng nổi tiếng khi nói rằng "đối thoại luôn tốt hơn so với đối đầu”, nhưng với Hitler thì không nên nhân nhượng.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin chắc chắn là không phải và cũng không giống như Hitler. Ông là một người theo “chủ nghĩa dân tộc kiểu cũ”, khẳng định rằng lợi ích của Nga cần phải được các nước khác tôn trọng và tính đến. Ông không chiến đấu để tranh giành quyền bá chủ toàn cầu, không có kế hoạch cho các cuộc chinh phục để mở rộng lãnh thổ, thái độ của ông Putin có thể là sự phẫn nộ đối với phương Tây khi họ ngày càng tiến sát biên giới với Nga.
6) Không có tội diệt chủng
Một số người ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với Kiev tranh luận rằng Mỹ phải hành động để ngăn chặn Nga “tàn sát” tại Ukraine. Đây là những tuyên bố sai lầm. Khoảng 5.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở khu vực miền đông Ukraine. Đó là một con số bi thảm, nhưng nó chủ yếu liên quan đến lực lượng ly khai và quân chính phủ. Hơn nữa, cuộc chiến tại khu vực Donbass là một cuộc nội chiến điển hình mang tính sắc tộc, ly khai. Không bên nào thực sự muốn tìm cách tận diệt đối phương - đặc trưng của tội ác diệt chủng thực sự. Đó là một nhóm đang tìm cách độc lập hơn với một chính phủ ở Kiev. Cuộc chiến này là điều không may, nhưng không thể là lý do để biện minh cho sự can thiệp của phương Tây như trong nhiều xung đột tương tự nằm rải rác khắp thế giới.
Tâm lý muốn ly khai là có thật và đã tăng lên bởi những hành động của Kiev. Ném bom một cách bừa bãi vào các thành phố khu vực miền đông khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã viết về những tội ác chiến tranh, có thể do lực lượng Vệ binh Quốc gia làm việc cho chính phủ Ukraine gây ra, khi nói về Tiểu đoàn Tình nguyện Aidar: “nổi tiếng về sự trả thù một cách tàn bạo, cướp bóc, đánh đập và tống tiền”. Tờ New York Times cũng đưa tin về hành động của Kiev: "quân đội chính phủ dội bom lực lượng ly khai từ xa, sau đó là sự hỗn loạn, tấn công bằng bạo lực của các nhóm bán quân sự xung quanh khu vực Donetsk”. Nhiều người tị nạn từ cuộc chiến này đã chạy trốn sang Nga, chứ không phải là hướng tới Kiev.
Xung đột đang diễn ra ở Ukraine là một bi kịch không cần thiết. Hệ thống chính trị rạn nứt và tham nhũng của nước này cuối cùng đã thổi bùng ngọn lửa bạo lực, được thúc đẩy bởi một “hỗn hợp các chất dễ cháy” như chủ nghĩa dân tộc cực đoan và sự hậu thuẫn của phương Tây. Rõ ràng Nga không phải là bên duy nhất chịu trách nhiệm về cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Do đó, Washington nên ủng hộ một trật tự quốc tế hòa bình, trong đó xâm lược hay can thiệp không nằm trong trật tự này, và thiết lập chính sách đối ngoại của mình cho phù hợp. Người Mỹ cũng nên quan tâm tới các cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực miền đông Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ không có lý do gì để can thiệp, biến Nga thành một kẻ thù và quân sự hóa một cuộc xung đột không phải của chính người Mỹ. Thay vào đó, Washington cần thúc đẩy một giải pháp ngoại giao, mà theo đó tất cả các bên có thể chấp nhận được.