Mỹ phát triển máy bay do thám nhanh gấp 6 lần tốc độ âm thanh
(Dân trí) - Máy bay do thám siêu thanh không người lái SR-72 của Mỹ, có thể bay nhanh gấp 6 lần tốc độ âm thanh, sẽ trở thành mối đe dọa mới đối với không phận Trung Quốc sau khi nó đi vào hoạt động trong không quân Mỹ năm 2030.
Mô phỏng máy bay thám siêu thanh không người lái SR-72.
Lockheed Martin đã bắt tay vào việc chế tạo máy bay do thám siêu thanh không người lái SR-72, người kế nhiệm của Blackbird SR-71, máy bay có người lái nhanh nhất thế giới có từ thời Chiến tranh Lạnh.
SR-72 sẽ sử dụng một động cơ kết hợp giữa tua-bin và phản lực để đạt vận tốc tối đa gấp 6 lần tốc độ âm thanh - March 6 (khoảng 5.800 km/h).
Giống người tiền nhiệm, SR-72 sẽ được thiết kế cho sứ mệnh do thám ở tầm cao, nhưng cũng có thể mang vũ khí để tấn công các mục tiêu. Lockheed Martin cho hay máy bay có thể đi vào hoạt động năm 2030.
SR-72 đang được phát triển tại trung tâm Skunk Works R&D của Lockheed Martin tại California, nơi đã thiết kế và chế tạo SR-71.
SR-71 cất cánh lần đầu tiên năm 1964 và từng là trụ cột trong hoạt động giám sát và theo dõi của không quân cho đến năm 1998. Nó thường bay ở độ cao 24.000 m và có thể đạt vận tốc March 3.
Trong một bài viết về SR-72, Lockheed Martin cho hay máy bay có thể hoạt động ở cùng độ cao với người tiền nhiệm nhưng bay nhanh hơn nhiều. Ở tốc độ March 6, máy bay có thể bay 5.500 km từ New York tới London chỉ trong chưa đầy 1 giờ.
Mặc dù các vệ tinh do thám có thể chụp ảnh lãnh thổ đối phương, nhưng việc chúng cần thời gian tương đối dài để di chuyển tới quỹ đạo mới nhằm ghi hình mục tiêu đã giới hạn sự hữu ích của chúng.
Trong khi đó, SR-72 "có thể bay nhanh tới nỗi đối phương không có thời gian để hành động hoặc trốn chạy", Lockheed Martin cho hay.
Sử dụng các chất liệu có sẵn, giám đốc chương trình siêu thanh của tập đoàn Lockheed Martin, ông Brad Leland, cho hay kinh phí để phát triển SR-72 sẽ ở mức dưới 1 tỷ USD.
Theo ông Leland, Skunk Works có thể chỉ mất từ 5-6 năm để hoàn thiện việc phát triển SR-72 và chuyến bay thử nghiệm đầu tiên diễn ra sớm nhất là năm 2018. Nhiều khả năng nó sẽ đi vào phục vụ trong quân đội Mỹ năm 2030.
"Tốc độ là sự tiến bộ hàng không tiếp theo nhằm chống lại các mối đe dọa mới trong vài thập niên tới. Công nghệ có thể là người thay đổi cuộc chơi, giống như việc công nghệ tàng hình đang thay đổi không gian chiến đấu ngày nay", ông Leland nói.
Tờ Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc đưa tin, SR-72 sẽ được thiết kế lại thành một máy bay ném bom siêu thanh để đương đầu với các vũ khí chống vệ tinh, các chiến thuật cấm tiếp cận/cấm vào cũng như các công nghệ chống tàng hình của Trung Quốc.
Trong khi đó, một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho hay SR-72 là một máy bay gần giống các khái niệm khoa học viễn tưởng về một máy bay chiến đấu vũ trụ và nói thêm rằng Bắc Kinh hiện không có khả năng chống lại một máy bay như vậy.
An Bình
Tổng hợp