Mỹ oanh kích Syria: Lại đi vào vết xe đổ?
Vài ngày sau “cơn mưa” tên lửa Mỹ trút xuống một căn cứ không quân ở Syria, thế giới đã chia làm hai phe rõ rệt. Một bên ủng hộ và bên còn lại phản đối hành động của Mỹ.
Từ đây, tiến trình hòa bình ở Syria cũng như tiến trình chống các tổ chức Hồi giáo cực đoan, khủng bố sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí có thể đổ vỡ, khiến cho Syria có thể trở thành "thiên đường" của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhiều tổ chức khủng bố khác.
Thông điệp sức mạnh quân sự và tác dụng ngược
Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA ngày 9-4 đưa tin nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố Mỹ đã phạm "sai lầm chiến lược" khi tấn công Syria. Lãnh tụ tinh thần Khamenei nói: "Iran sẽ không từ bỏ Syria cho dù đối mặt với đe dọa", ám chỉ những đồn đoán về việc Mỹ xem vụ tấn công vừa qua là dấu hiệu cho thấy nước này sẵn sàng tấn công các quốc gia khác, bao gồm cả Iran.
Cũng trong ngày 9-4, Điện Kremlin cho biết trong cuộc điện đàm ngày 9-4 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, ông Putin tuyên bố: việc Mỹ phóng tên lửa vào Syria là hành động gây hấn nhằm vào quốc gia có chủ quyền và vi phạm luật pháp quốc tế.
Ngay tại Mỹ, cuộc tấn công tên lửa trên mặc dù vẫn nhận được sự ủng hộ từ một số nghị sĩ thuộc cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ, song cả những người ủng hộ và chỉ trích Tổng thống Donald Trump đều cho rằng ông chủ Nhà Trắng cần phải được Quốc hội lưỡng viện đồng thuận nếu Mỹ leo thang quân sự tại quốc gia Trung Đông này.
Trong khi đó, một số nước phương Tây nhấn mạnh, chỉ có dùng giải pháp chính trị với sự tham gia của Nga, Mỹ và các nước chủ chốt trong khu vực mới có thể giải quyết cuộc xung đột tại Syria. Đây là tuyên bố được Ngoại trưởng Đức Zigmar Gabriel đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Bild am Sonntag của Đức, số ra ngày 9-4.
Vụ tấn công bằng tên lửa hành trình vào Shayrat đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Tổng thống Bashar al-Assad: Mỹ sẽ dùng sức mạnh quân sự để trừng phạt việc sử dụng vũ khí hóa học. Và cuộc tấn công vừa qua đang làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về định hướng chính sách đối với Syria sắp tới của Mỹ sau khi ông Trump thay đổi hoàn toàn lập trường của mình.
Hãng tin AP dẫn lời các nhà phân tích nhận định từ chính nước Mỹ rằng: Mỹ đang có nguy cơ lún sâu vào vũng lầy tại Syria. Việc coi chính quyền Syria là một “kẻ thù” có thể khiến Damascus có những đòn tấn công trả đũa. Điều này sẽ càng khiến các lực lượng Mỹ đang tham chiến tại Syria với IS cũng như các máy bay Mỹ ở Syria có thể gặp nhiều nguy hiểm.
Câu hỏi đặt ra là mục đích thực sự của Mỹ là gì? Giáo sư Edward Djerejian, cựu Đại sứ Mỹ tại Syria, hiện đang làm việc tại Đại học Rice, cho rằng cuộc tấn công nhằm vào Syria của ông Trump hàm chứa một thông điệp mạnh mẽ gửi tới các đối thủ trong khu vực. Cuộc tấn công vừa qua là tín hiệu gửi tới Assad, tới Nga, tới Iran, tới Hezbollah và tới những ai ủng hộ chế độ Assad rằng khu vực này không phải là một sân chơi tự do. Ở đó luôn có những giới hạn.
Một số nhà phân tích cho rằng việc Mỹ không kích Syria còn là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Triều Tiên và Trung Quốc. Rõ ràng, việc chọn thời điểm tiến hành vụ không kích trong khi đang đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy Mỹ muốn “đánh tiếng” với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên rằng: Mỹ sẵn sàng cứng rắn.
Ông Giả Khánh Quốc, giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nhìn nhận việc Triều Tiên sở hữu kho vũ khí hạt nhân cùng vị trí địa chính trị nhạy cảm của quốc gia này khiến một cuộc tấn công quân sự tại đây, nếu có, sẽ đồng nghĩa với một thảm họa nghiêm trọng. “Chỉ một mồi lửa nhỏ cũng đủ bùng lên thành một thảm họa. Triều Tiên không giống Iraq hay Syria”, ông Giả nói với AFP.
Theo các nguồn tin báo chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc các phương án quân sự để trả đũa vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 4-4 tại Syria, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đưa ra một danh sách phương án. Đây không phải là lần đầu tiên trong mấy năm gần đây, Mỹ tìm cách lên danh sách những mục tiêu của Chính phủ Syria để chuẩn bị tấn công.
Song so với danh sách các phương án quân sự hồi năm 2003, thì danh sách hiện nay có ít phương án hơn do có sự hiện diện của Nga tại chiến trường Syria. Mỹ không có ý định khơi mào một cuộc xung đột vũ trang với Nga, vì điều này không chỉ gây hậu quả lớn hơn nhiều so với cuộc xung đột tại Syria, mà còn trực tiếp gây phương hại tới ưu tiên của Mỹ là chống IS tại Syria.
Đâu là “giới hạn đỏ”?
Trung tâm chỉ huy chung của các lực lượng Nga, Iran và liên minh dân quân đồng minh ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al Assad tuyên bố: vụ tấn công của Mỹ vào một căn cứ không quân của Syria đã vượt các giới hạn đỏ và từ nay họ sẽ đáp trả bất cứ hành động gây hấn mới nào.
Đối với Nga, Mỹ đang trở thành đối tác nguy hiểm và phức tạp nhất. Việc Mỹ không kích vào sân bay Syria tạo ra nguy cơ leo thang đối đầu giữa 2 cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới này. Mối quan hệ Nga-Mỹ đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, 2 nước sẽ rơi vào tình trạng nguy cấp bên bờ vực sử dụng sức mạnh quân sự chống lại nhau.
Quân đội Nga và những tổ hợp phòng thủ tên lửa rất mạnh của Nga đang hiện diện tại Syria. Nếu Mỹ tiếp tục hành động quân sự chống lại chế độ Tổng thống Bashar al-Assad, Nga buộc phải có biện pháp đáp trả nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước Syria trước các hành động xâm lược.
Phương án khôn ngoan nhất hiện nay là tiến hành các cuộc tham vấn khẩn trương giữa Nga và Mỹ về vấn đề vũ khí hóa học tại Syria, như Moskva và Washington đã từng làm vào năm 2013. Bởi, nếu có bất kỳ sự mâu thuẫn nào giữa các nước đang can dự vào vấn đề Syria, chắc chắn “kẻ hưởng lợi” không ai khác chính là các nhóm khủng bố.
Trong một cuộc điện thoại với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã khẳng định: "Chỉ những kẻ khủng bố là được hưởng lợi từ những cuộc tấn công của Mỹ vào căn cứ không quân Syria. Một hoạt động quân sự nhằm vào một quốc gia mà chính phủ nước đó đang chống lại chủ nghĩa khủng bố chỉ có lợi cho những kẻ cực đoan, và tạo thêm những mối đe dọa cho an ninh khu vực và toàn cầu".
Thấy gì qua vụ Mỹ tấn công Syria?
Với những gì ông Donald Trump tuyên bố trong lúc tranh cử tổng thống và cả sau khi đã bước vào Nhà Trắng, thế giới như thở phào nhẹ nhõm vì từ nay Mỹ sẽ không còn can thiệp vào nội bộ nước khác, không còn lật đổ các chính thể nước ngoài bằng những hành động quân sự. Nói tóm lại thế giới sẽ có ít chiến tranh hơn.
Nhưng những gì vị tân Tổng thống Mỹ đang làm lại khiến nhân loại lo sợ, không chỉ bởi việc làm không đi đôi với lời nói, mà còn bởi nguy cơ chiến tranh leo thang và lan rộng từ những việc Mỹ tự cho mình là “cảnh sát của thế giới”.
Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã hứa sẽ tái lập sự hùng mạnh cho Mỹ, nhưng điều này có nghĩa là phục hồi thịnh vượng cho dân Mỹ. Nói cách khác, với Trump làm tổng thống, Mỹ có thể sẽ thu mình lại, đi theo hướng chủ nghĩa biệt lập.
Trong thời gian qua, ông Trump vẫn chỉ trích chính sách can thiệp ra bên ngoài của Mỹ, cũng như không chấp nhận các chiến dịch quân sự do chính quyền George W. Bush tung ra. Tuy vậy, ông cũng đã tỏ ý muốn gia tăng lực lượng quân đội Mỹ và thề sẽ “hạ nốc ao” quân IS. Có điều tổng thống tân cử của Mỹ không nói rõ ông sẽ làm bằng cách nào.
Đối với các đồng minh của Mỹ ở châu Á, ông Trump cũng đã từng yêu cầu Nhật Bản, Hàn Quốc hãy tự bảo vệ lấy thân, nếu cần sẽ cho các nước này được trang bị vũ khí nguyên tử, hơn là dựa vào sự che chở của Mỹ.
Ông Trump trong thời gian tranh cử từng tuyên bố sẽ hợp tác với Nga, ít nhất là trong cuộc chiến chống khủng bố. Phía Nga cũng tỏ ý sẵn sàng làm việc với chính phủ của Trump. Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên tờ The Wall Street Journal ngày 12-11-2016, nhà tỷ phú Mỹ đã đề ra chủ trương là nên tập trung nhiều hơn vào việc chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Ông Trump cho rằng, “nếu cứ tìm cách thay thế Bashar al-Assad, rồi chúng ta cũng sẽ đánh luôn cả nước Nga”, đồng minh của chính quyền Damascus.
Trên tờ New York Times vào tháng 7-2016, ông Trump cũng đã tuyên bố rằng tổ chức IS là mối đe dọa lớn hơn chính quyền Damascus. Lúc đó, ứng cử viên Cộng hòa đã nhấn mạnh đến lập trường của ông là không muốn Mỹ can thiệp vào Syria, vì ông cho rằng “đã 50 năm rồi Hoa Kỳ can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác, nhưng chỉ toàn gây ra các vấn đề, chứ không giải quyết được gì”.
Tổng thống tân cử cũng đã ngầm nêu lên khả năng Mỹ ngưng trợ giúp vũ khí cho các nhóm vũ trang thuộc phe đối lập ôn hòa, hiện vừa chiến đấu chống chế độ Assad, vừa đương đầu với lực lượng thánh chiến Hồi giáo.
“Ấn tượng” nhất là phát biểu khi có mặt ở căn cứ quân sự Fort Bragg ngày 6-12-2016, ông Trump cho biết: “Chúng ta sẽ ngừng chạy đua để lật đổ các chế độ ở nước ngoài mà chúng ta chẳng biết gì về họ, chúng ta không nên dính vào những việc đó. Thay vào đó, chúng ta phải tập trung đánh bại chủ nghĩa khủng bố và tiêu diệt IS. Chúng ta sẽ làm như vậy”.
Nhưng khi vào Nhà Trắng, ông Trump “lên án hành động gây hấn của Nga tại Ukraine”. Tại Hội đồng bảo an, nữ Đại sứ Mỹ khẳng định lệnh trừng phạt “sẽ được duy trì cho đến khi nào Nga trả bán đảo Crimea lại cho Ukraine”.
Ngày 10-2, tại buổi tiếp Thủ tướng Shinzo Abe sang thăm Mỹ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố liên minh Mỹ - Nhật là trụ cột của hòa bình và ổn định trong vùng và khẳng định lại cam kết liên minh quân sự giữa hai nước, trong đó nhấn mạnh đến việc bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump hồi tháng 2-2017 tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng trong khi trước đó khi rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, chính quyền Obama đã cắt giảm chi tiêu quốc phòng xuống còn 3,3% GDP.
Và chưa đầy hai tháng sau khi chính thức nhậm chức, ngày 6-3-2017, Tổng thống Donald Trump thông báo gửi quân đội Mỹ tới vùng Manbij, phía bắc Syria. Rồi rạng sáng 7-4, Mỹ đã bắn 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Al-Chaayrate thuộc tỉnh Homs, Syria.
Lý do của hành động đơn phương này là “trừng phạt” vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở tỉnh Idlib hôm 4-4, mà Washington cho là Chính phủ Syria thực hiện nhưng lại không cung cấp bằng chứng cụ thể. Đây là lý do Nga và Trung Quốc bác một nghị quyết của Hội đồng bảo an về Syria vài ngày trước đó.
Khi bị Moscow và Tehran tố cáo hành động vi phạm chủ quyền Syria qua vụ tấn công hôm 7-4, ngày 9-4, bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại LHQ tuyên bố: “Tổng thống Donald Trump đang nghiên cứu khả năng gia tăng trừng phạt Nga và Iran vì sự ủng hộ của hai quốc gia này với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad”.
Điều làm người ta lo ngại là vốn kinh nghiệm có vẻ như chưa dày dặn của ông Trump về những vấn đề thế giới phức tạp và tính nóng nảy của ông không thích hợp với những tình huống phức tạp, tế nhị và đòi hỏi sự tự chế.
Mấy ngày qua, nhiều nhà quan sát toát mồ hôi hột khi Mỹ điều tàu chiến tới bán đảo Triều Tiên. Hành động này diễn ra đúng một ngày sau khi Mỹ bắn 59 quả tên lửa vào Syria và chỉ vài ngày sau khi ông Trump tuyên bố sẽ có “cách riêng” để giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Một khi “làm liều” mà tấn công Triều Tiên, chính quyền Trump có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Theo Nguyễn Hòa - Mộc Thạch (tổng hợp)
An ninh thế giới