1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ nỗ lực trong tuyệt vọng tại Syria?

Mỹ liên tiếp khoe thành tích tiêu diệt thủ lĩnh khủng bố và chương trình hỗ trợ nổi dậy khi quân chính phủ Syria cùng Nga giành nhiều chiến thắng.

Mỹ khoe thành tích

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết quân đội Mỹ đã tiến hành một cuộc không kích nhằm vào buổi họp của các thủ lĩnh chi nhánh Mặt trận Al-Nusra thuộc mạng lưới al-Qaeda hôm 3/4 ở Đông Bắc Syria.

Theo Lầu Năm Góc, cuộc không kích này đã tiêu diệt người phát ngôn của Mặt trận Al-Nusra, trong khi tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) đã bị hất cẳng khỏi một thị trấn then chốt.

Ngày 4/4, ông Cook cho biết: "Theo đánh giá của chúng tôi, thủ lĩnh cấp cao của al-Qaeda là Abu Firas al-Suri cũng có mặt trong buổi họp đó và chúng tôi đang cố gắng để xác minh rằng đối tượng này đã bị tiêu diệt".

Nhân vật Abu Firas al-Suri của Al-Nusra
Nhân vật Abu Firas al-Suri của Al-Nusra

Theo người phát ngôn này, Suri là người Syria và là một thành viên "kỳ cựu" của al-Qaeda. Đối tượng này đã tham chiến tại Afghanistan vào cuối những năm 1980-1990. Suri "đã phối hợp với Osama bin Laden và nhiều thành viên sáng lập khác của al-Qaeda để huấn luyện những kẻ khủng bố và tiến hành các cuộc tấn công trên phạm vi toàn cầu".

Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, Suri cùng con trai và ít nhất 20 tay súng thánh chiến thuộc Al-Nusra và Jund al-Aqsa và nhiều tay súng khác đến từ Uzbekistan đã bị tiêu diệt trong các cuộc không kích nhằm vào các địa điểm thuộc tỉnh Idlib. Trong số đó, có 7 nhân vật là thủ lĩnh cấp cao.

Thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giữa lực lượng chính phủ và phe nổi dậy đã được thực hiện từ ngày 27/2, song thỏa thuận này không có sự tham gia của Al-Nusra và IS.

Máy bay trên tàu sân bay Mỹ tại Vùng Vịnh tham gia không kích tại Syria
Máy bay trên tàu sân bay Mỹ tại Vùng Vịnh tham gia không kích tại Syria

Sau một thời gian dài im ắng, ngày 1/4, Al-Nusra và lực lượng nổi dậy đồng minh đã đánh chiếm Al-Eis, một thị trấn chiến lược ở tỉnh miền bắc Aleppo, sát hại 12 thành viên của phong trào Hezbollah. Đây được đánh giá là chiến dịch lớn nhất của Al-Nusra kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực.

Ngoài “thành tích” tiêu diệt thủ lĩnh Suri của Al-Nusra, Mỹ cũng liên tiếp tung thông tin tiêu diệt các thủ lĩnh khác của IS.

Theo phía Mỹ, ngày 30/3, một cuộc không kích gần thủ phủ của IS là Raqa đã tiêu diệt chủ huy Abu al-Haija. Ngày 4/4, người phụ trách vấn đề truyền thông của IS ở tỉnh Deir Ezzor miền đông cũng bị tiêu diệt trong một cuộc không kích.

Tiếp sức phe đối lập

Ngày 1/4, quân đội Mỹ thông báo đã bắt đầu huấn luyện hàng chục tay súng đối lập Syria mà Washington cho là "ôn hòa" với mục đích được công bố là chiến đấu chống IS.

Thay vì rút toàn bộ các tay súng đối lập khỏi tiền tuyến để huấn luyện và sau đó quay trở lại chiến đấu như trước đó, chương trình mới sẽ lựa chọn một nhóm nhỏ các tay súng để đào tạo nhằm đảm bảo tính hiệu quả.

Trong đợt đầu, Mỹ sẽ huấn luyện cách xác định mục tiêu để hỗ trợ các cuộc không kích của liên minh chống IS do Washington đứng đầu. Đại tá Lục quân Mỹ Steve Warren, người phát ngôn của liên minh chống IS trụ sở ở Baghdad, nhận định "kế hoạch này sẽ cho phép chúng tôi tăng đáng kể hỏa lực trong bất cứ cuộc đụng độ hay trận chiến nào diễn ra trên khắp lãnh thổ Syria".

Một toán đặc nhiệm Mỹ
Một toán đặc nhiệm Mỹ

Lầu Năm Góc từ chối tiết lộ địa điểm diễn ra chương trình huấn luyện, song một số quan chức Mỹ giấu tên cho biết hoạt động này diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, chương trình huấn luyện quân sự và vũ trang cho hàng nghìn quân nổi dậy Syria để chống lại IS đã vấp phải sự chỉ trích của dư luận khi nhiều binh sĩ đã mang theo vũ khí của Mỹ bỏ sang hàng ngũ của tổ chức khủng bố này.

Mỹ cũng đang cân nhắc kế hoạch tăng mạnh số lượng đặc nhiệm tới Syria, được cho là lớn hơn nhiều lần so với nhóm 50 binh sĩ đã được triển khai.

Nga-Iran nói ít làm nhiều

Theo hãng tin RIA Novosti ngày 5/4, quân đội Syria, với sự hỗ trợ của không quân Nga, đã phá hủy một cơ sở chỉ huy của IS, một phần của chiến dịch nhằm giải phóng thành phố Quaryatain ở tỉnh Homs, miền Nam Syria.

Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria trước đó 2 ngày đưa tin quân đội nước này đã hoàn toàn giành lại quyền kiểm soát thành phố chiến lược Qaryatain từ tay IS.

Theo SANA, các lực lượng vũ trang Syria dưới sự yểm trợ của máy bay chiến đấu Nga đã mở cuộc tấn công đồng loạt từ nhiều hướng nhằm vào thành phố Qaryatain. Đây là dinh lũy cuối cùng của IS gần vùng núi Qalamoun, ở phía Bắc thủ đô Damascus và sát với biên giới Lebanon.

Binh sĩ Syria tại Qaryatain ngày 3/4
Binh sĩ Syria tại Qaryatain ngày 3/4

Chiến dịch quân sự nhằm giành lại thành phố Qaryatain diễn ra chưa đầy một tuần sau khi quân đội Syria đánh bật được IS khỏi thành phố cổ Palmyra. Việc giành lại Palmyra là chiến thắng quan trọng của quân đội Syria và được coi là dấu hiệu cho sự sụp đổ của IS tại Syria.

Về phía Iran, giới chức quân đội nước này ngày 4/4 cho biết đã triển khai lính biệt kích tới Syria dưới dạng các cố vấn quân sự. Đây là dấu hiệu cho thấy Iran đang sử dụng cả quân đội cũng như lực lượng bán quân sự để giúp đỡ lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến tại Syria.

Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời Tướng Ali Arasteh, tư lệnh cao cấp quân đội Iran cho hay: "Chúng tôi đang triển khai lính biệt kích từ Lữ đoàn 65 và các đơn vị khác của quân đội tới Syria dưới dạng cố vấn”.

Hồi tháng 3, Tướng Arasteh từng thông báo Iran có thể sẽ quyết định triển khai các lính biệt kích và lính bắn tỉa từ quân đội chính quy nước này tới làm cố vấn quân sự tại Iraq và Syria.

Không bỏ rơi Assad

Cùng với việc đẩy mạnh hỗ trợ quân chính phủ Syria, Nga đang thể hiện rõ lập trường về tương lai của Tổng thống Assad trước những đồn đoán của phương Tây.

Ngày 4/4, hãng thông tấn RIA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết việc yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức là hành động cản trở triển vọng cho một giải pháp chính trị ở quốc gia Trung Đông này.

Ông Ryabkov nêu rõ: "Chúng ta hãy ngừng bàn về chủ đề này, đồng thời để các bên ở Syria quyết định về thời điểm cũng như cơ sở nêu lại vấn đề này". Ông Ryabkov cũng phủ nhận Moskva và Washington có bất cứ lập trường chung nào về số phận của Tổng thống Assad.

Quân chính phủ Syria trong một trận pháo kích nhằm vào IS tại Palmyra
Quân chính phủ Syria trong một trận pháo kích nhằm vào IS tại Palmyra

Ngày 31/3, Điện Kremlin cũng tuyên bố những thông tin về một thỏa thuận giữa Nga và Mỹ liên quan tới tương lai của ông Assad là không đúng sự thực. Theo ông Peskov, Nga không giống với các nước khác vì Nga không thảo luận vấn đề quyền tự quyết của các nước thứ ba thông qua kênh ngoại giao hoặc các kênh khác.

Những phản bác chính thức được Nga đưa ra sau khi tờ Al-Hayat có trụ sở tại London (Anh) loan tin rằng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thông báo với một số nước Arab rằng Nga và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận về tương lai của tiến trình hòa bình Syria, trong đó có việc ông Assad sẽ rời Syria tới một quốc gia khác vào thời điểm chưa được xác định.

Những diễn biến mới trên thực địa và mặt trận ngoại giao cho thấy Chính phủ Syria đang có lợi thế trong cuộc hòa đàm sắp tới, nhiều khả năng sẽ nối lại vào ngày 11/4 tới ở Geneva (Thụy Sĩ).

Nga tuyên bố không thảo luận về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad
Nga tuyên bố không thảo luận về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad

Ngược lại, lực lượng đối lập Syria đang tỏ ra “bất mãn” trước thái độ của Mỹ. Thành viên của Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) - đại diện cho các nhóm đối lập chính ở Syria - Bassma Kodmani ngày 3/4 đã chỉ trích Mỹ có quan điểm "mập mờ" về tương lai của Tổng thống Assad, đồng thời hối thúc Washington xác nhận việc ông này sẽ không được "phục chức" trong một chính phủ tương lai.

Theo bà Kodmani, sự mập mờ của Mỹ đang gây thiệt hại cho lực lượng đối lập Syria. Bà này cũng bày tỏ hoài nghi về nội dung mà Mỹ đang thảo luận với Nga.

Theo Trường Thành

Đất Việt