Mỹ nỗ lực kiểm soát các “bộ não” hạt nhân của Triều Tiên
(Dân trí) - Mỹ không chỉ hối thúc Triều Tiên xóa bỏ các cơ sở và kho vũ khí hạt nhân mà còn muốn kiểm soát những “bộ não” đứng sau chương trình gây tranh cãi này của Bình Nhưỡng.
Theo báo Asahi Shimbun (Nhật Bản), Mỹ đang kêu gọi Triều Tiên đưa các kỹ sư hạt nhân của nước này ra nước ngoài và xóa bỏ các các dữ liệu về chương trình phát triển hạt nhân. Yêu cầu này đã được Washington đưa ra trong các cuộc đàm phán sơ bộ để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tới tại Singapore.
Theo báo Nhật Bản, Mỹ đã tuyên bố rõ ràng rằng nước này không chỉ nhắm mục tiêu tới “phần cứng” là kho vũ khí hạt nhân và các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, mà còn cả “phần mềm” là các bộ não đứng sau chương trình hạt nhân cũng như những dữ liệu hạt nhân của Bình Nhưỡng.
“Đúng là Mỹ đang suy nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào để đối phó với hơn 10.000 kỹ sư hạt nhân của Triều Tiên”, một quan chức chính phủ cho biết.
Theo báo Chosun Ilbo (Hàn Quốc), nếu các “bộ não” hạt nhân còn ở lại Triều Tiên, chính quyền Bình Nhưỡng có thể tái khởi động chương trình hạt nhân bất kể khi nào họ muốn ngay cả khi các nguyên vật liệu, vũ khí và cơ sở hạt nhân của nước này được dỡ bỏ hoàn toàn. Ngoài ra, Mỹ cũng lo ngại Triều Tiên có thể phổ biến hoặc bán các dữ liệu hạt nhân của nước này cho các chính quyền nước ngoài hoặc các phần tử khủng bố.
Trong bài phát biểu nhậm chức hôm 2/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng khẳng định mục tiêu xóa sổ “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo chiều” kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên.
“Làm thế nào để kiểm soát các kỹ sư hạt nhân của Triều Tiên là vấn đề cốt lõi trong việc giải giáp vĩnh viễn kho vũ khí hạt nhân của nước này”, một nguồn tin ngoại giao cho biết.
Hiện chưa có con số thống kê chính xác về số lượng kỹ sư hạt nhân tại Triều Tiên, song con số ước tính lên tới 10.000 người. Theo Asahi Shimbun, Triều Tiên vẫn đang “từ chối” việc đưa các kỹ sư hạt nhân ra nước ngoài và “mơ hồ” về việc từ bỏ dữ liệu hạt nhân.
Mỹ trước đây từng sử dụng Đạo luật Nunn-Lugar để kiểm tra tiến trình phi hạt nhân hóa của Liên Xô và các nước vệ tinh. Đạo luật này cho phép Mỹ cung cấp công nghệ và tài chính cho Belarus, Kazakhstan, Nga và Ukraine để loại bỏ kho vũ khí hạt nhân và hóa học cũng như các hệ thống vận chuyển của các nước này, vốn còn sót lại sau khi Liên Xô sụp đổ.
Được đặt theo tên của các thượng nghị sĩ Sam Nunn và Richard Lugar, hai “cha đẻ” của đạo luật vào năm 1991, Đạo luật Nunn-Lugar đã hỗ trợ 58.000 kỹ sư tên lửa và hạt nhân tìm được công việc khác hoặc chuyển ra nước ngoài sinh sống.
“Các nhà khoa học hạt nhân của Triều Tiên thường sống ở các khu vực biệt lập như Yongbyon. Chúng ta cần đào tạo lại và giúp đỡ họ tìm việc làm trong các lĩnh vực khác bằng cách nghiên cứu Đạo luật Nunn-Lugar”, chuyên gia Lee Chun-geun tại Viện Chính sách Công nghệ và Khoa học nhận định.
Thành Đạt
Theo Chosun