1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ, Nhật sẽ hợp tác tuần tra trên Biển Đông?

Việc Nhật Bản sửa đổi Hiến pháp, thông qua Luật phòng vệ tập thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Hải quân Mỹ và Nhật Bản trong việc tổ chức tập trận chung và các hoạt động hỗn hợp trên toàn bộ vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương...

Mỹ, Nhật sẽ hợp tác tuần tra trên Biển Đông?
Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, Phó Đô đốc Robert Thomas (trái) và Đô đốc Eiichi Funada, Tư lệnh Hải quân Nhật Bản
 
... Trong đó có thể bao gồm việc tuần tra tại khu vực Biển Đông – nơi tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á đang diễn biến phức tạp.
 
Đó là ý kiến của Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, Phó Đô đốc Robert Thomas ngay trên soái hạm USS Blue Ridge ở Yokohama, trong buổi tiếp xúc với báo chí, cùng Đô đốc Eiichi Funada, Tư lệnh Hải quân Nhật Bản hôm 1/4/2015.

Ông Robert Thomas nhận định rằng Nhật Bản “có năng lực và khả năng hoạt động trong hải phận và không phận quốc tế ở bất cứ nơi nào trên thế giới”.

Đây không phải là lần đầu tiên một quan chức quốc phòng Mỹ tỏ ý thúc giục đồng minh Tokyo mở rộng vùng tuần tra qua Biển Đông. Trước đó, hồi tháng 1/2015, chính ông Thomas cũng đã lên tiếng ủng hộ chính sách hiện diện quân sự tích cực tại khu vực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đồng thời bày tỏ tin tưởng “chính sách cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản hoạt động trong khu vực Biển Đông sẽ trở thành hiện thực trong tương lai”.

Quốc hội Nhật Bản trong tháng này dự kiến sẽ thông qua dự luật do chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đề xuất, cho phép Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể. Việc thông qua dự luật này dường như chỉ là vấn đề thủ tục khi mà liên minh của Thủ tướng Abe chiếm đa số ở Quốc hội.

Giới quan sát nhận định, cả Mỹ lẫn Nhật Bản đều không có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng Hạm đội 7 của Mỹ đã có thâm niên hơn 70 năm hoạt động ở khu vực. Tuy nhiên, việc có thêm sự hiện diện của Hải quân Nhật Bản – nước cũng đang tranh chấp căng thẳng với Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông lại rất có thể kích động Bắc Kinh.

Là hạm đội hải quân hùng mạnh nhất ở châu Á, Hạm đội 7 của Mỹ (có căn cứ ở Yokohama, Nhật Bản) tiếp tục là đối trọng chính trước sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á. Hạm đội 7 của Mỹ đang quản lý một tiểu đội hàng không mẫu hạm hoạt động ngoài khơi Nhật Bản, cùng khoảng 80 chiếc tàu, 140 máy bay và 40.000 thủy thủ.

Trong khi đó, Hải quân Nhật Bản sở hữu khoảng 120 chiếc tàu, trong đó có hơn 40 tàu khu trục và một lực lượng tàu ngầm khoảng 20 chiếc.

Theo Linh Phương (tổng hợp)
PetroTimes