1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ “ngáp dài” trước đe dọa hạt nhân của Triều Tiên?

(Dân trí) - Trong những ngày qua, Triều Tiên liên tục đưa ra đe dọa, mà cấp độ đe dọa ngày càng mạnh và đáng kể nhất là đe dọa tấn công phủ đầu bằng hạt nhân đối với Mỹ. Vậy Mỹ phản ứng với đe dọa đó ra sao?

 

Triều Tiên liên tục thử hạt nhân dù bị trừng phạt
Triều Tiên tuyên bố các lệnh trừng phạt càng làm cho khả năng hạt nhân, tên lửa nước này được tăng cường.
 
Thông thường, Triều Tiên đưa ra một đe dọa mạnh mẽ, gây hấn đối với Mỹ và thế giới phương Tây, Nhà Trắng và các lãnh đạo thế giới thường phản ứng mạnh mẽ bằng lời, hoặc là siết chặt thêm trừng phạt. Và thông thường Lầu Năm Góc hạ thấp các đe dọa đó, cho rằng không có lý do phải lo ngại bởi quân đội Mỹ đã luôn theo dõi chặt chẽ Triều Tiên và hỏa lực của họ vươn tới bất cứ nơi nào bên trong Triều Tiên.

 

Nhưng khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đe dọa thế giới bằng một cuộc chiến hạt nhân ngay thức thời thì sao? Theo giới quan sát, đó là điều hoàn toàn mới mẻ. Song theo các giới chức và cựu giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ, câu trả lời của họ không “thú vị” như nhiều người vẫn tưởng.

 

“Chúng tôi luôn sẵn sàng cho một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên trong vòng vài giờ”, một cựu quan chức Bộ Quốc phòng giấu tên cho biết, do ông thảo luận đến thông tin nhạy cảm.

 

Hóa ra, đây đúng là sự thật tẻ nhạt. Theo thiếu tá hải quân Chris Servello, người phát ngôn của hải quân Mỹ tại Lầu Năm Góc, thì “không có thay đổi gì. Các tàu được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis vẫn rà soát khu vực được giao trách nhiệm. Mức cảnh báo cũng không thay đổi và các tàu cũng không được tái bố trí”.

 

Đó là câu trả lời gần như dập khuôn của hầu hết bộ chỉ huy quân sự Mỹ trước bất kỳ đe dọa nào của Triều Tiên. Các tàu Aegis là tàu hành trình và tàu khu trục, được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, giống như là hệ thống phòng thủ tên lửa. Ngoài ra, các tàu di động, là “chân” đóng trên biển của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ.

 

Theo một cựu quan chức quân sự Mỹ, bên trong Lầu Năm Góc, thông thường để kiểm chứng một đe dọa của Triều Tiên, có rất nhiều “kênh tình báo” xác định xem có hoạt động thực tế nào trên mặt đất phù hợp với đe dọa hay không. Tuy nhiên, quân đội Mỹ không cần phải di chuyển vũ khí hạng nặng, tàu, máy bay hay thay đổi mức báo động. Theo cựu quan chức Mỹ, “các vệ tinh của chúng tôi sẽ phát hiện ra các tên lửa đang di chuyển”.

 

“Với tình hình Triều Tiên,  chúng tôi luôn trong tư thế thể như quả bóng sẽ bay lên trong vòng vài phút. Nếu chúng tôi thực sự cần phải di chuyển các thiết bị hạng nặng, điều đó cho thấy chúng tôi đã bị sai tư thế”.

 

Còn đối với cơ quan tình báo, quân đội Mỹ không hoàn toàn dựa vào họ. “Phụ thuộc vào điều gì thực sự diễn ra. Chúng tôi không nhảy dựng lên chỉ vì ai đó nói gì”, quan chức này cho hay. “Con mắt tình báo là để theo dõi xem “những đe dọa thực sự khớp với hành động như thế nào hay liệu đe dọa có nhằm mục đích gây hại cho chính trị nội địa hay không.”

Đe dọa của Bình Nhưỡng cũng không khiến các bộ chỉ huy quân sự của Mỹ mấy bận tâm. Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM), đóng ở Hawaii, ra tuyên bố “khiêu khích” nhất từ trước tới nay, cam kết “vẫn kiên định đối với những cam kết an ninh khu vực của chúng tôi và luôn sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ nước Mỹ, các đồng minh và các quyền lợi quốc gia của chúng ta.”

 

“Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các đồng minh quốc tế và đối tác để thảo luận về bước tiếp theo”, bộ chỉ huy cho biết. Bộ này cũng cho hay các lực lượng phối hợp của Mỹ và đồng minh có thể “đánh giá hiệu quả bất kỳ hành động khiêu khích nào của Triều Tiên, như phóng tên lửa hay nỗ lực thử hạt  nhân. Quân đội Mỹ theo sát các đe dọa đối với an ninh quốc tế và có khả năng phản ứng khi được Tổng thống chỉ đạo”.

 

PACOM cũng kêu gọi Triều Tiên “kiềm chế các hành động gây khiêu khích thêm, có thể vi phạm các trách nhiệm quốc tế của nước này và đi ngược với những cam kết…có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực…và không thực hiện các vụ phóng tên lửa, thử hạt nhân trong tương lai, cũng như thực hiện theo đúng” các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

 

Còn từ Bộ chỉ huy chiến lược(STRATCOM), cơ quan quản lý kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, trưởng phát ngôn Jeff Bender ra tuyên bố cho biết: “Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ vẫn kiên định đối với những cam kết an ninh của chúng tôi và luôn sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ Mỹ, các đồng minh và lợi ích quốc gia của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình cùng với các đối tác Bộ chỉ huy Thái Bình Dương”.

 

Vũ Quý

Theo FP