Mỹ nêu nguyên nhân "lá chắn thép" Patriot không chặn được vụ tấn công Ả rập Xê út
(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lý giải vì sao hệ thống phòng không Patriot của nước này không thành công trong việc chặn vụ tấn công của máy bay không người lái vào 2 nhà máy của tập đoàn dầu khí Ả rập Xê út Aramco.
“Chúng ta đã chứng kiến các hệ thống phòng không trên khắp thế giới có lúc thành công lúc không khi đánh chặn. Một vài hệ thống tốt nhất trên thế giới không phải lúc nào cũng phát hiện được mục tiêu. Chúng tôi (Mỹ và Ả rập Xê út) muốn hợp tác để đảm bảo các cơ sở hạ tầng và các nguồn lực được triển khai nhằm ngăn những cuộc tấn công tương tự như vậy sẽ không thành công như sự việc vừa qua”, ông Pompeo phát biểu ngày 19/9 về vụ việc ngày 14/9 khi các máy bay không người lái đã tấn công cơ sở của tập đoàn Aramco.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, ông Pompeo đã cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công làm sụt giảm 5% lượng cung dầu mỏ toàn cầu. Tehran đã liên tiếp bác bỏ các cáo buộc, trong khi phiến quân Houthi ở Yemen, lực lượng được cho do Tehran hậu thuẫn, đã lên tiếng nhận trách nhiệm.
Sputnik ngày 19/9 dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ả rập Xê út dường như đang triển khai 88 hệ thống Patriot trong quân đội nước này. Tuy nhiên, toàn bộ các lá chắn này đều không ngăn được hàng chục máy bay không người lái và tên lửa dẫn đường tấn công vào Aramco, nguồn tin nói.
Nguồn tin cũng không đồng tình với lời giải thích của ông Pompeo về việc các hệ thống phòng thủ không phải lúc nào cũng hoạt động như mong muốn và nhận định có lẽ hệ thống do Mỹ sản xuất “có hiệu quả thấp”.
“Ngoại trưởng (Pompeo) nói rằng các hệ thống phòng không trên thế giới có thể có những kết quả khác nhau trong việc ngăn chặn vụ tấn công. Tuy nhiên, điều này có thể được coi là hợp lý nếu nói về một lá chắn Patriot. Tuy nhiên, Mỹ đã triển khai một mạng lưới phòng không mạnh mẽ tại Ả rập Xê út, đặc biệt là tại khu vực phía bắc với những hệ thống radar dày đặc”, nguồn tin cho hay.
Chính vì vậy, các hệ thống Patriot hay Aegis của Mỹ dường như đã không hoạt động đúng như những gì được ghi trong mô tả của các hệ thống này. Nguồn tin cũng nhận định, các hệ thống này có lẽ không thể chặn được các vụ không kích hàng loạt dùng số lượng lớn các vũ khí.
Trước đó, Ngoại trưởng nga Sergei Lavrov đã kêu gọi một cuộc điều tra công bằng và kỹ càng về vụ Aramco. Nhà ngoại giao này cảnh báo những lời cáo buộc chưa đủ thuyết phục chống lại Iran sẽ chỉ làm căng thẳng khu vực thêm leo thang.
Trong một diễn biến khác, Mỹ ngày 18/9 đã điều 2 máy bay chiến đấu F-15 tới một căn cứ ở UAE.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tuyên bố Tehran sẽ không dung thứ cho bất cứ cuộc tấn công nào chống lại quốc gia này, đồng thời cảnh báo đáp trả bằng "chiến tranh toàn diện" nếu bị động binh trước.
Đức Hoàng
Theo Tass, Sputnik