1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ muốn tăng cường hợp tác với Indonesia ở Biển Đông

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington sẽ tìm kiếm cách thức mới để hợp tác với Indonesia tại Biển Đông.

Mỹ muốn tăng cường hợp tác với Indonesia ở Biển Đông - 1

Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia theo dõi tàu hải cảnh Trung Quốc. (Ảnh: Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia)

“Tôi đang mong đợi được hợp tác cùng nhau theo những cách thức mới để đảm bảo rằng an ninh hàng hải sẽ bảo vệ một số tuyến thương mại đông đúc nhất thế giới”, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm 29/10.

Tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Indonesia, ông Pompeo đã hoan nghênh “hành động quyết đoán” của Jakarta trong việc bảo vệ chủ quyền của Indonesia tại vùng biển gần quần đảo Natuna, nơi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Ngoại trưởng Mỹ cho rằng yêu sách của Trung Quốc là “trái pháp luật”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesia cho biết bà mong muốn thấy một khu vực Biển Đông “ổn định và hòa bình”, nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng.

Bộ Ngoại giao Indonesia hồi tháng 9 đã trao công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc, phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia tại Biển Đông.

Indonesia không coi nước này là một bên trong tranh chấp Biển Đông, nhưng yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” phi pháp của Bắc Kinh tại vùng biển này đã chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna.

Hồi tháng 1, Indonesia đã triển khai máy bay chiến đấu và tàu chiến tới tuần tra gần quần đảo Natuna sau khi các tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc đi vào vùng biển xung quanh quần đảo.

Ngoại trưởng Pompeo dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong ngày hôm nay.

Trước khi tới Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ đã tới thăm Ấn Độ, Sri Lanka và Maldives. Chuyến công du tới châu Á của ông Pompeo diễn ra trong bối cảnh Washington muốn thắt chặt mối quan hệ kinh tế, chiến lược với các nước trong khu vực.