1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

“Mỹ muốn đối thoại với Triều Tiên”

(Dân trí) - Đó là tuyên bố của tân đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Stephen Bosworth khi ông đặt chân tới Seoul trong chuyến công du châu Á đầu tiên kể từ khi được bổ nhiệm hồi tháng trước.

“Mỹ muốn đối thoại với Triều Tiên”  - 1
Đặc phái viên Triều Tiên của Mỹ Bosworth.
 
Trả lời báo chí hôm qua, ông Stephen Bosworth nói: “Chúng tôi đã thiết lập quan hệ. Chúng tôi mong có đối thoại”.

 

Ông Bosworth cũng một lần nữa kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ lời đe dọa tấn công các máy bay dân sự của Hàn Quốc bay trên không phận Triều Tiên. Theo ông, cảnh cáo của Triều Tiên không mang lại ích lợi gì. 

 

Seoul là chặng dừng chân thứ ba trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông Bosworth trên cương vị đặc sứ Mỹ về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Ông sẽ gặp các quan chức Hàn Quốc, trong đó có Ngoại trưởng Yoo Myung-hwan và Bộ trưởng Thống nhất Hyun In-taek vào ngày 9/3 để thảo luận kế hoạch thử tên lửa của Triều Tiên và biện pháp nối lại đàm phán 6 bên.

 

Ông Bosworth cũng sẽ gặp Trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Nga Alexei Borodavkin tại Seoul. 

 

Chuyến đi của đặc sứ Mỹ diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng  tuyên bố sắp bắn vệ tinh. Một ngày trước đó, tại Tokyo, sau cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Nhật Bản Hirofumi Nakasone, ông Stephen Bosworth tuyên bố Nhật Bản và Mỹ có cùng ý kiến là Triều Tiên nên từ bỏ ý định này, không bắn thử dù là vệ tinh hay tên lửa. Ông cho biết không có kế hoạch thăm Triều Tiên trong chuyến đi châu Á lần này. 

 

Hôm 5/3, Bình Nhưỡng giải thích là không thể đảm bảo an tòan cho các chuyến bay của Seoul vì Hàn Quốc và Mỹ sẽ tổ chức cuộc tập trung chung từ 9 đến 20/3. Khoảng 200 chuyến bay của hai hãng hàng không dân dụng Seoul phải đổi đường bay trong hai tuần lễ tới và làm cho mỗi tuyến mất thêm một giờ đồng hồ bay. Máy bay của những nước khác cũng đang thay đổi lộ tuyến ra khỏi không phận Triều Tiên.

 

Nhật Mai
Theo Yonhap, AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm