1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ mở lãnh sự quán ở đảo lớn nhất thế giới để “kìm chân” Nga - Trung

(Dân trí) - Mỹ sẽ mở lãnh sự quán ở đảo lớn nhất thế giới, Greenland, và viện trợ 12 triệu USD cho hòn đảo, động thái được xem là nhằm tạo nên đối trọng với Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực.

Mỹ mở lãnh sự quán ở đảo lớn nhất thế giới để “kìm chân” Nga - Trung - 1

Đảo Greenland (Ảnh: Reuters)

Washington Post đưa tin, Mỹ ngày 23/4 cho biết họ sẽ mở cơ sở ngoại giao và viện trợ 12 triệu USD cho hòn đảo ở Bắc Cực, trong một nỗ lực được cho là nhằm tạo nên đối trọng với Nga và Trung Quốc ở khu vực.

Hòn đảo lớn nhất thế giới là lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch và từng được Tổng thống Mỹ Donald Trump ngỏ ý muốn mua hồi năm ngoái. Tuy nhiên, cả Đan Mạch và Greenland đều khước từ đề xuất này.

Greenland là một hòn đảo có 80% diện tích bao phủ bởi băng và dân cư chưa tới 60.000 người. Tuy nhiên, Greenland được cho là sở hữu kho tàng tài nguyên thiên nhiên đồ sộ bao gồm quặng sắt, chì, kẽm, kim cương, vàng, các nguyên tố đất hiếm, urani và dầu.

Năm ngoái, Greenland đã trải qua 2 đợt tan băng lớn nhất trong lịch sử hòn đảo do biến đổi khí hậu. Đây là một thông tin tiêu cực về góc độ môi trường nhưng về góc độ kinh tế nó cho thấy việc băng tan có thể giúp kế hoạch khai khoáng tại đây dễ thực thi hơn.

Cả Nga và Mỹ đều là thành viên của tổ chức Hội đồng Bắc Cực, một nhóm 8 quốc gia có lãnh thổ ở khu vực này. Trong khi đó, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố họ là quốc gia “gần Bắc Cực”. Mỹ cho rằng Bắc Kinh đã tự tạo ra một hạng mục không tồn tại và cho rằng Trung Quốc dường như muốn tạo nên “Con đường Tơ lụa Bắc Cực”.

“Đây là sự thay đổi được đưa ra do Nga và Trung Quốc thách thức Mỹ và Phương Tây”, một quan chức ngoại giao cấp cao giấu tên nói với Washington Post về căng thẳng địa chính trị ở vùng Bắc Cực.

 “Chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng trong hệ thống Bắc Cực khiến Nga và Trung Quốc theo đuổi các chương trình nghị sự có thể đối chọi với lợi ích của Mỹ và các đồng minh, đối tác”, quan chức trên cho hay.

Có hơn 10 quốc gia đặt lãnh sự quán ở Greenland, hầu hết là các quốc gia từ châu Âu cùng với Hàn Quốc và Canada. Mỹ từng có cơ sở ngoại giao ở Nuuk - thủ phủ Greenland từ năm 1940-1953.

Tuy đã đóng lãnh sự quán được 67 năm nhưng Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự trên đảo thông qua căn cứ không quân Thule. Greenland cũng nhận được 15 triệu USD đầu tư thường niên từ các dự án nghiên cứu của Mỹ.

Quan chức ngoại giao Mỹ cho biết lãnh sự quán sắp mở cửa và khoản viện trợ 12,1 triệu USD được xem là nỗ lực tái cam kết của Mỹ với Greenland.

Khoản hỗ trợ trên nhằm vào việc hỗ trợ công nghệ năng lượng tái tạo mới, phát triển quản lý nghề cá và mở rộng ngành du lịch cho Greenland.

Thông báo chính thức về động thái của Mỹ được Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch Carla Sands phát đi.

Tuy nhiên, trong một bài viết đăng tải trên trang tin Altinget, Đại sứ Sands cáo buộc Nga có “thái độ khiêu khích và gia tăng quân sự hóa ở Bắc Cực” trong khi Trung Quốc “theo đuổi lợi ích kinh tế kiểu kẻ săn mồi” ở Greenland.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ hỗ trợ Greenland vì mối quan tâm tới hòa bình và thịnh vượng, đồng thời bác bỏ nghi ngờ rằng đây là “kế hoạch để mua Greenland”.

Đức Hoàng

Theo Washington Post