Mỹ lo tình báo nước ngoài “săn lùng” thông tin sức khỏe của ông Trump
(Dân trí) - Thông tin sức khỏe của ông Trump đang là mục tiêu tình báo “nóng” nhất thế giới, và Washington lo ngại các đối thủ của Mỹ có thể lợi dụng các chi tiết thu được để can thiệp nội bộ Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/10 đã xuất viện Walter Reed sau 3 ngày điều trị Covid-19. Ông sẽ tiếp tục được chữa bệnh tại Nhà Trắng.
Các bác sĩ của ông Trump không tiết lộ lần cuối cùng ông âm tính với Covid-19 là khi nào. Họ không nêu chi tiết về tình hình phổi của ông ra sao, vì sao ông lại có phác đồ điều trị Covid-19 như vậy, ông sốt bao nhiêu độ và lượng oxy trong máu của ông giảm tới mức nào.
Tuy nhiên, Politico dẫn lời các quan chức an ninh quốc gia Mỹ cảnh báo rằng, lực lượng tình báo nước ngoài có thể nhanh chóng tìm kiếm và nắm được các thông tin nói trên. Khi đó, giới quan sát cảnh báo các đối thủ của Mỹ có thể lợi dụng những thông tin này vì với mục đích can thiệp vào tình hình nước Mỹ.
Lo ngại của họ là các chi tiết về sức khỏe của ông Trump có thể bị lợi dụng để gây bất ổn và gieo rắc hoài nghi về sự ổn định của chính phủ Mỹ. Ví dụ, các đối thủ nước ngoài có thể dùng các đoạn ghi âm hoặc bức ảnh bị chỉnh sửa theo triệu chứng mô tả trong bệnh án để khiến ông Trump trở nên yếu hơn, và phác thảo ra “bức tranh” nước Mỹ không thể kiểm soát được đại dịch. Những thông tin này có thể gây ảnh hưởng tới sự ổn định của Mỹ vì nó liên quan trực tiếp tới người đứng đầu chính phủ.
Cựu quan chức tình báo Mỹ Steve Hall nói rằng giới tình báo nước ngoài đầu tư rất lớn vào năng lực thu thập thông tin y tế nhạy cảm của các lãnh đạo thế giới. Họ sẽ thu thập tin tức bằng mọi cách từ trực tiếp tới gián tiếp.
Marc Polymeropoulos, cựu quan chức tình báo cao cấp ở CIA, cho biết trong thời điểm một quốc gia đang đối mặt với các vấn đề, giới tình báo nước ngoài sẽ coi việc thu thập thông tin sức khỏe của lãnh đạo quốc gia đó là “nhiệm vụ thường ngày”.
Ông Polymeropoulos cũng cho hay việc thu thập các thông tin thường khả thi vì mục tiêu bị nhằm vào không phải là quan chức chính phủ hay cơ quan tình báo, mà là nhân viên bệnh viện, quan chức hành chính - những người dễ bị khai thác thông tin vì không chủ động đề phòng.
Ngoài ra, cựu nhân viên CIA Mick Mulroy cảnh báo rằng việc Nhà Trắng thiếu nhất quán trong việc cung cấp thông tin về sức khỏe ông Trump trong vài ngày qua có thể tạo ra tâm lý nghi ngờ trong người dân Mỹ. Các đối thủ của Mỹ có thể lợi dụng điều này để gây xáo trộn, bóp méo thông tin nhằm “hạ thấp niềm tin của người dân Mỹ vào chính phủ và tiến trình bầu cử”.
Trong khi đó, ông Hall cho rằng, với phản ứng có phần bị động của Nhà Trắng, các đối thủ của Mỹ dường như sẽ nắm được thông tin “chính xác hơn” về sức khỏe của ông Trump so với công chúng Mỹ.
Ông Mulroy khuyến nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và các lãnh đạo an ninh quốc gia cần hiện diện ở Washington, DC để “đảm bảo chính phủ hoạt động liên tục” và “gửi thông điệp cứng rắn tới bất cứ đối thủ nào đang muốn lợi dụng tình hình”.