1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ "lo sốt vó" nếu máy bay F-35 của Nhật Bản gặp nạn lọt vào tay nước ngoài

(Dân trí) - Giới chuyên gia Mỹ lo ngại rằng nếu các đối thủ trong khu vực có được xác chiếc máy bay chiến đấu F-35 của Nhật Bản gặp nạn trên Thái Bình Dương hôm qua thì đây có thể là kịch bản "đau đầu" với Washington.

Mỹ lo sốt vó nếu máy bay F-35 của Nhật Bản gặp nạn lọt vào tay nước ngoài - 1

Một máy bay F-35A (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản ngày 9/4 thông báo đã mất liên lạc với một máy bay chiến đấu tàng hình F-35A ở ngoài khơi bờ biển tỉnh Aomori phía đông bắc nước này. Sau nhiều giờ tìm kiếm, Nhật Bản đã tìm thấy mảnh vỡ được cho là phần đuôi của máy bay F-35A gặp nạn. Tuy nhiên, phi công lái máy bay này hiện vẫn mất tích.

Các tàu và máy bay thuộc Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã nhanh chóng được triển khai để tiến hành tìm kiếm xác máy bay và phi công mất tích. Ngoài ra, Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản cũng điều hai tàu hỗ trợ. Một số máy bay của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản, gồm máy bay tìm kiếm cứu hộ U-125A và các trực thăng UH-60J Black Hawk, cũng được huy động để tham gia chiến dịch tìm kiếm.

Theo Naval Today, Hải quân Mỹ xác nhận đã điều máy bay tuần tra hàng hải P-8A và một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường để hỗ trợ chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ do Nhật Bản dẫn đầu. Ngoài ra, USS Stethem, một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường khác, cũng đang trên đường tới khu vực tìm kiếm. Tàu ngầm USS Annapolis của Hải quân Mỹ dường như cũng hiện diện tại khu vực này.

Các chuyên gia cảnh báo việc tìm kiếm chiếc F-35A rơi tại Thái Bình Dương sẽ là vấn đề cấp bách với cả Nhật Bản và Mỹ nếu hai nước đồng minh này không nhanh chóng trục vớt xác máy bay mất tích mà để chúng lọt vào tay Nga hoặc Trung Quốc.

Nga - Trung có thể vào cuộc

Chiến dịch tìm kiếm máy bay F-35 Nhật Bản gặp nạn

Cả Nga và Trung Quốc đều duy trì hiện diện hải quân dày đặc trong khu vực, trong đó Nga sở hữu một hạm đội tàu ngầm chuyên dùng cho các hoạt động nghiên cứu và lặn sâu. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng họ có thể tìm thấy xác máy bay F-35 mất tích sớm hơn cả Mỹ và Nhật Bản.

Trung tướng nghỉ hưu David Deptula của Không Quân Mỹ cho rằng nếu Mỹ hoặc Nhật Bản không nhanh chóng trục vớt xác máy bay mất tích, “điều đó sẽ không có lợi cho tương lai của không lực Mỹ”.

Trung tướng Deptula bày tỏ lo ngại về việc, công nghệ máy bay chiến đấu F-35 có thể bị sao chép nếu chiếc máy bay gặp nạn rơi vào tay nước khác.

Theo chuyên gia Tyler Rogoway, biên tập viên của trang The War Zone, “nếu một trong số máy bay F-35 nằm dưới đáy biển Thái Bình Dương, chúng ta có thể chứng kiến một trong những chiến dịch do thám và phản gián dưới biển lớn nhất từ thời Chiến tranh Lạnh. Nếu máy bay hoạt động mà không có thiết bị phản xạ radar để xác định vị trí của nó, thì đây sẽ là một vấn đề lớn”.

Về cơ bản, nếu Nga và Trung Quốc sử dụng các tàu ngầm tàng hình tối tân để phát hiện xác máy bay mất tích và tìm thấy trước Mỹ hoặc Nhật Bản, hai nước này có thể nắm được những bí mật về hệ thống vũ khí đắt đỏ nhất thế giới.

“Việc Nga và Trung Quốc có khả năng thu thập được một số hay toàn bộ mảnh vỡ máy bay sẽ phụ thuộc vào mức độ hư hại của máy bay khi va chạm với mặt nước. Thiết kế tổng thể của máy bay (F-35) đã được nhiều người biết đến rồi, kể cả những đặc tính vận hành của chúng cũng không mới. Tuy nhiên, hệ thống radar và các cảm biến mới là ưu tiên hàng đầu trong quá trình trục vớt và thử nghiệm”, Justin Bronk, chuyên gia về tác chiến hàng không, cho biết.

Không thể sao chép hoàn toàn?

Tuy vậy, một số chuyên gia cũng cho rằng Mỹ và Nhật Bản không cần quá lo lắng về khả năng các bí mật F-35 có thể nằm trong tay nước khác.

Giới chuyên gia nhận định, nếu Trung Quốc có trong tay một số vật liệu tổng hợp trong động cơ của F-35 cũng chưa đủ để nước này tự chế tạo vật liệu theo ý muốn. Việc nghiên cứu những đặc tính của thân máy bay cũng chưa thể cho phép Nga tự sản xuất bộ khung giống như của F-35.

Khả năng tàng hình và năng lực hoạt động của F-35 chỉ chiếm một phần nhỏ trong giá trị của dòng máy bay này đối với quân đội Mỹ. Phần giá trị còn lại nằm ở hệ thống mạng, cảm biến và thông tin bảo mật.

“Những mảnh vỡ hoặc lớp phủ tàng hình có thể được tìm thấy. Tuy nhiên, hệ thống phần mềm và các chương trình đóng vai trò quan trọng trên máy bay rất khó để sao chép, bởi chúng không chỉ bị hư hại do vụ tai nạn và nước muối ở Thái Bình Dương, mà còn bởi các hệ thống nhạy cảm của máy bay được thiết kế để rất khó bị giải mã, khiến chúng trở thành mặt hàng phù hợp để xuất khẩu”, chuyên gia Bronk nhận định.

Đến thời điểm hiện tại, tất cả những gì chúng ta biết là vị trí cuối cùng F-35 được nhìn thấy. Tuy nhiên, máy bay vẫn có thể tiếp tục vận hành thêm vài mét nữa và sóng biển có thể đưa các mảnh vỡ ra xa. Nói tóm lại, tất cả các nước trong khu vực đều có thể tìm thấy các mảnh vỡ của máy bay này.

 Thành Đạt

Theo Fox