Mỹ lo ngại vì bị phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân của Nga
(Dân trí) - Quan chức Mỹ cho rằng việc nước này nhập khẩu một lượng lớn uranium làm giàu từ Nga để vận hành cơ sở năng lượng hạt nhân là mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia.
Trợ lý bộ trưởng năng lượng Mỹ Kathryn Huff ngày 7/11 thừa nhận với Financial Times rằng, việc Mỹ tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn nhiên liệu hạt nhân từ Nga gây ra mối đe dọa "nghiêm trọng" đối với an ninh quốc gia của phía Washington.
Theo bà Huff, Nga cấp khoảng hơn 20% nhiên liệu hạt nhân cho Mỹ và đây là điều rất đáng lo ngại.
Mỹ tăng gấp đôi nhập khẩu uranium làm giàu từ tập đoàn năng lượng Nga Rosatom trong nửa đầu năm 2023, bất chấp việc Washington đang đẩy mạnh kêu gọi trừng phạt Nga trên toàn cầu nhằm gây áp lực buộc Moscow dừng chiến dịch quân sự hơn 20 tháng ở Ukraine.
Washington bắt đầu mua một lượng lớn uranium đã làm giàu từ Nga sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc theo chương trình Megatons to Megawatts, để sử dụng được trong các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ.
Sau thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011 ở Nhật Bản, nhiều quốc gia đã tạm dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân, khiến nhiều công ty tư nhân cung cấp nhiên liệu phá sản, làm gián đoạn chuỗi cung ứng uranium làm giàu.
Tuy nhiên, Rosatom không chỉ vượt qua được khủng hoảng nói trên mà còn thâm nhập vào các thị trường nước ngoài với tư cách là nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân mới.
Kết quả là ngày nay, Mỹ thiếu đi một ngành công nghiệp phù hợp để khai thác, tinh chế và sản xuất nhiên liệu có thể đáp ứng nhu cầu của ngành điện hạt nhân. Vì vậy họ đã chuyển sang Rosatom để lấp đầy khoảng trống.
Ngoài ra, châu Âu cũng nhập khoảng 17% nhiên liệu hạt nhân từ Nga, cùng với than đá và khí đốt hóa lỏng để đáp ứng nhu cầu về năng lượng.
Trong khi Mỹ và các đồng minh EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga do xung đột ở Ukraine, việc Moscow xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân vẫn không bị trừng phạt.
Theo Nikkei, vị thế của Nga trong thị trường nguyên liệu cho điện hạt nhân có thể tạo ra một thách thức lớn cho các nước phương Tây dù họ đang cố gắng thoát sự phụ thuộc vào năng lượng của Moscow.
Nga sở hữu khoảng 50% cơ sở hạ tầng làm giàu uranium của thế giới. Việc chuyển đổi uranium khai thác từ các mỏ nguyên liệu trở thành uranium làm giàu cho các lò phản ứng hạt nhân thường mất 3-5 năm và việc thay thế nguồn cung không phải là dễ dàng.
Chính vì vậy, phương Tây chưa thể mạnh tay với uranium làm giàu từ Nga vì họ biết rằng việc thay thế vị trí dẫn đầu của Moscow trong thời gian ngắn là bất khả thi.
Ngoài ra, giá thành uranium do Rosatom cung cấp tương đối thấp, khiến nó có sức cạnh tranh rất cao. Mặt khác, các nước Đông Âu cũng sử dụng các lò phản ứng hạt nhân do Nga sản xuất dẫn tới việc họ cũng phải nhập uranium làm giàu từ Nga.
Việc chuyển đổi ngay lập tức sang nguồn nguyên liệu năng lượng hạt nhân khác là rất khó để thực hiện. Để giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch từ Nga và hướng tới mục tiêu giảm phát thải carbon, phương Tây đang tính toán tới các nguồn năng lượng thay thế và năng lượng hạt nhân cũng đang được xem xét.
Chính vì vậy, kịch bản phương Tây thoát hoàn toàn phụ thuộc năng lượng Nga dường như sẽ khó xảy ra ít nhất là trong tương lai gần.