1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ lo ngại Trung Quốc "hăm dọa" láng giềng

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm hăm dọa các nước láng giềng.

Mỹ lo ngại Trung Quốc hăm dọa láng giềng - 1

Các máy bay quân sự bay qua nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz ở Biển Đông ngày 9/2 (Ảnh: Hải quân Mỹ)

"Chúng tôi lo ngại về việc Bắc Kinh vẫn tiếp tục mưu toan đe dọa các nước láng giềng của họ. Như thường lệ, chúng tôi sẽ sát cánh cùng các bạn bè, đối tác và đồng minh của chúng tôi", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price phát biểu trong cuộc họp báo ngày 9/2.

Ông Price cho biết Mỹ vẫn đang theo dõi chặt chẽ tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

"Chúng tôi vẫn lưu ý các cuộc đối thoại đang diễn ra giữa chính phủ Ấn Độ và Trung Quốc. Chúng tôi tiếp tục ủng hộ đối thoại trực tiếp và giải quyết hòa bình các tranh chấp biên giới", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực biên giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù các bên đã tích cực thiết lập các cuộc đàm phán song phương. Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind hồi cuối tháng 1 cho biết nước này đã đưa thêm lực lượng lên khu vực tranh chấp với Trung Quốc, nhằm gia tăng hiện diện quân sự ở Đường kiểm soát Ấn Độ - Trung Quốc (LAC) để bảo vệ chủ quyền đất nước.

Trong tuyên bố đầu tiên về căng thẳng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc hôm 3/2, chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ lo ngại về những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm "dọa dẫm" các nước láng giềng, đồng thời cho biết Washington vẫn đang theo dõi sát sao tình hình.

"Mỹ quan ngại về các nỗ lực tiếp diễn của Bắc Kinh nhằm dọa dẫm các nước láng giềng. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng các bạn bè, đối tác và đồng minh nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng, an ninh và các giá trị chung ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Emily J. Horne cho biết.

Mỹ và Ấn Độ đang xúc tiến tổ chức hội nghị cấp cao đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ hợp tác "Bộ Tứ" (Quad) gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản. Các nhà lãnh đạo "Bộ Tứ" dự kiến sẽ thảo luận về việc hợp tác nhằm hiện thực hóa một khu vực "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" trong bối cảnh có nhiều lo ngại về sự cứng rắn của Trung Quốc trong khu vực.

Hội nghị cấp cao đầu tiên cũng được xem là thông điệp được "Bộ Tứ" gửi tới Trung Quốc. Động thái này có thể sẽ vấp phải phản ứng từ Trung Quốc, khi Bắc Kinh vẫn coi "Bộ Tứ" là một nỗ lực nhằm kiềm chế Trung Quốc và chỉ trích khuôn khổ này là "NATO thu nhỏ".

Trung Quốc phản ứng việc Mỹ đưa 2 nhóm tàu chiến diễn tập ở Biển Đông

Hải quân Mỹ ngày 9/2 cho biết hai nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt và Nimitz đã "tiến hành nhiều cuộc diễn tập, nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa các khí tài cũng như khả năng chỉ huy và kiểm soát". Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa cùng lúc 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông hoạt động kể từ tháng 7/2020.

Phản hồi về cuộc diễn tập của Mỹ, Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp cần thiết", đồng thời "hợp tác với các nước trong khu vực" nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

"Mỹ thường xuyên đưa tàu và máy bay đến Biển Đông để phô trương lực lượng. Điều này không có lợi cho hòa bình và ổn định của khu vực", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong cuộc họp báo ngày 9/2.

Cuộc diễn tập diễn ra chỉ vài ngày sau khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain của Hải quân Mỹ di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trên Biển Đông.