1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ lo ngại tác động của chính phủ Trung Quốc đến trao đổi văn hóa

Tuần trước, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã điều trần về tính minh bạch và tác động của chương trình Viện Khổng Tử của Trung Quốc đối với tự do học thuật ở Mỹ.

Một Viện Khổng Tử đặt tại Đại học Illinois của Mỹ

Một Viện Khổng Tử đặt tại Đại học Illinois của Mỹ

Tại buổi điều trần hôm 4.12 ở Washington, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã xem xét gần 100 Viện Khổng Tử hoạt động ở các trường đại học Mỹ. Viện Khổng Tử có mục đích truyền bá hình ảnh tích cực của Trung Quốc, cung cấp các giảng viên để dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc tại các đại học Mỹ.

Song nhiều trường đại học đã lo ngại về ảnh hưởng của Chính phủ Trung Quốc đến các Viện Khổng Tử, cho rằng các viện này đe dọa đến tự do học thuật, giám sát sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài và thúc đẩy các mục đích chính trị của Trung Quốc.

Hạ nghị sĩ Chris Smith nói rằng, ông sẽ đề nghị xem lại thỏa thuận học thuật của các trường đại học Mỹ với Trung Quốc. “Các trường đại học Mỹ không nên để mất đi sự kiểm soát học thuật, việc giám sát sinh viên và các ngành học cũng như chương trình học vào tay một chính phủ nước ngoài” – ông phát biểu.

Tại buổi điều trần, Giáo sư danh dư Đại học Chicago Marshall Sahlins cáo buộc các Viện Khổng Tử  là “chi nhánh ở nước ngoài” của chính phủ Trung Quốc. Giáo sư Perry Link của Đại học California nói rằng không nên trao những người trẻ của Mỹ cho một chính phủ khác chỉ vì chính phủ đó cung cấp ngân quỹ. Hiệp hội Giáo sư Đại học Mỹ và đối tác của họ ở Canada đã thúc giục các trường đại học chấm dứt trao đổi đối tác với Viện Khổng Tử, trừ phi việc kiểm soát học thuật được trao cho trường chủ nhà. Hội đồng Trường học Toronto ở Canada và Đại học Bang Pennsylvania đều đã hủy các kế hoạch hợp tác với Viện Khổng Tử. Tháng 9 vừa qua, Đại học Chicago cho biết, họ sẽ đình chỉ các cuộc đàm phán để kéo dài thời gian hoạt động của Viện Khổng Tử trong khuôn viên trường.

Xia Yeliang, một giáo sư Trung Quốc bị sa thải khỏi Đại học Bắc Kinh năm ngoái, cảnh báo rằng các chương trình trao đổi học thuật với Trung Quốc mang nhiều nguy cơ tiềm ẩn, chẳng hạn các học giả thăm viếng có thể đóng vai trò là gián điệp.

Đáp lại các lo ngại của phía Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng, các Viện Khổng Tử trên khắp thế giới được thành lập bởi các trường đại học một cách tự nguyện, và các viện này thúc đẩy việc học tiếng Trung, cũng như thúc đẩy trao đổi học thuật, văn hóa giữa các nước với Trung Quốc. Bà gọi những cáo buộc của phía Mỹ là những “định kiến” với chương trình Viện Khổng Tử.

“Mọi lớp học và hoạt động văn hóa đều cởi mở và minh bạch. Phía Trung Quốc cung cấp giáo viên và hỗ trợ tư liệu giảng dạy theo yêu cầu của phía Mỹ. Trung Quốc không bao giờ can thiệp vào tự do học thuật” – bà Hoa phát biểu.

 Theo V.N/Chicago Tribune...
Lao Động