1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ lên 3 phương án chặn đà tiến công của Nga ở Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Giới chức Mỹ đang cân nhắc 3 phương án nhằm gây sức ép buộc Nga chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Mỹ lên 3 phương án chặn đà tiến công của Nga ở Ukraine - 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: Reuters).

Theo Guardian, giới chức Mỹ cuối tuần qua đã đưa ra 3 phương án mà Mỹ có thể sớm hành động nhằm ngăn chặn chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, bao gồm cấm vận dầu mỏ Moscow, lên án chiến dịch quân sự của Nga và mở đường để chuyển máy bay chiến đấu từ Ba Lan đến Ukraine.

Các trợ lý cấp cao của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẩn cấp thảo luận vấn đề này với các đồng minh châu Âu trong bối cảnh Nga tuyên bố ngừng bắn để thiết lập các hành lang nhân đạo cho phép sơ tán người dân khỏi các vùng chiến sự. Phương Tây cũng dự đoán, sau các đợt ngừng bắn sơ tán người dân này, Nga có thể tăng cường quy mô các đợt tấn công nhằm vào các thành phố chiến lược của Ukraine.

Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trao đổi với các trợ lý cấp cao qua điện thoại về khả năng áp đặt một lệnh cấm vận với dầu mỏ của Nga, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết.

"Chúng tôi đang thảo luận với các đối tác và đồng minh châu Âu để phối hợp cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga, đồng thời đảm bảo vẫn có nguồn cung thay thế trên thị trường thế giới", Ngoại trưởng Blinken nói.

Ông Biden đối mặt với sức ép lớn từ nghị sĩ lưỡng đảng phải áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với ngành năng lượng Nga. Các lệnh trừng phạt này được cho là sẽ gây thiệt hại cho Nga lớn hơn so với các lệnh trừng phạt kinh tế khác của phương Tây.

Về phía Nga, Phó Thủ tướng Alexander Novak hôm qua cảnh báo, nếu Mỹ và phương Tây cấm vận dầu mỏ Nga, điều đó sẽ kéo theo thảm họa cho thị trường toàn cầu.

Nhà Trắng vẫn đang xem xét thận trọng liệu lệnh cấm vận dầu mỏ Nga tác động thế nào đến giá năng lượng trong nước. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki thừa nhận, bất chấp những nỗ lực tăng sản lượng, phương án cấm vận dầu khí Nga vẫn khiến người tiêu dùng Mỹ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Ngoài khả năng ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, giới chức Mỹ và châu Âu cũng xem xét cáo buộc quân đội Nga tấn công vào các mục tiêu dân thường ở Ukraine. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói hôm 6/3 rằng, Mỹ "đang làm việc với các đối tác để thu thập và cung cấp thông tin liên quan đến cáo buộc này. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định, lực lượng của họ chỉ tấn công vào các mục tiêu quân sự của Ukraine và nhằm mục tiêu "phi quân sự hóa" Ukraine.

Về khả năng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, giới chức Mỹ và Ba Lan được cho là đã thảo luận một thỏa thuận tiềm tàng. Theo đó, Mỹ sẽ chuyển cho Ba Lan các tiêm kích F-16 để đổi lại Ba Lan điều dàn máy bay quân sự do Nga sản xuất sang cho Ukraine sử dụng. Sở dĩ có phương án này là bởi các phi công của Ukraine chưa được đào tạo để lái máy bay chiến đấu của Mỹ, nhưng có thể tiếp nhận và điều khiển ngay lập tức các máy bay dòng MiG mà Không quân Ba Lan sở hữu.

Tuy vậy, theo thông báo chính thức của NATO và Liên minh châu Âu, Ba Lan mới chỉ xác nhận tiếp tục các cuộc đàm phán về chủ đề này. Người phát ngôn chính phủ Ba Lan Piotr Mueller cho biết: "Về việc cung cấp máy bay, tôi muốn nhắc lại rằng chưa có quyết định nào được đưa ra về chủ đề này". Ông cũng bác bỏ thông tin cho rằng Ba Lan đang chuẩn bị sân bay cho các máy bay chiến đấu của Ukraine.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine