1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ lần đầu tiên bị hạ tín nhiệm, tài chính thế giới rung chuyển

(Dân trí) - Tài chính thế giới rung chuyển, Trung Quốc phản ứng kịch liệt khi hãng đánh giá mức độ khả tín hàng đầu thế giới Standard & Poor's (S&P) lần đầu tiên hạ điểm uy tín về nợ công của Mỹ. Dư luận gọi đây là một “quả bom” thực sự với toàn cầu.

 
Mỹ lần đầu tiên bị hạ tín nhiệm, tài chính thế giới rung chuyển  - 1
S&P còn hạ mức triển vọng của Mỹ xuống thành tiêu cực, mở ra khả năng tiếp tục hạ điểm tín nhiệm của Mỹ trong tương lai.

“Còn tiếp tục hạ điểm”

Trong bản thông báo đưa ra hôm 5/8 (giờ Mỹ), cơ quan thẩm định tài chính quốc tế S&P đã hạ thấp điểm tín nhiệm tín dụng của Mỹ từ 3 A (AAA), điểm cao nhất, xuống còn 2A+ (AA+) - trường hợp đầu tiên xảy ra với Mỹ.

Trên thang điểm của cơ quan S&P , mức cao nhất 3 A được dành cho các nước được cơ quan này đánh giá là đáng tin cậy nhất về khả năng thanh toán các công trái phiếu mà họ phát hành. Từ khi được thành lập vào năm 1941, S&P không bao giờ nghi ngờ về tính ưu việt của nền Tài chính Mỹ và luôn luôn cấp cho Mỹ điểm 3A.

Thế nhưng lần này, lòng tin của S&P đã bị sứt mẻ trước cuộc tranh luận gay gắt và dai dẳng giữa hai đảng Cộng hoà và Dân chủ, với một thoả thuận đạt được một cách trầy trật vào giờ chót khi đến sát thời hạn “vỡ nợ kỹ thuật” ngày 2/8. Hơn nữa, theo S&P, thỏa thuận này lại không đủ mạnh để củng cố nền Tài chính Mỹ.

“S&P hạ mức xếp hạng tín dụng Mỹ là do chính phủ không áp dụng các biện pháp hiệu quả cần thiết để giải quyết vấn đề nợ quốc gia đang gia tăng”, cơ quan này tuyên bố.

Chủ tịch ủy ban đánh giá tín dụng quốc gia của S&P, John Chambers, nói với đài truyền hình CNN rằng Mỹ đáng ra đã có thể tránh được việc bị hạ mức xếp hạng tín dụng nếu những đối đầu với quốc hội được giải quyết sớm hơn.

Trong bản thông báo của mình, S&P đã nêu lý do “rủi ro chính trị” gắn liền với món nợ công khổng lồ của nước Mỹ để giải thích vì sao họ hạ điểm tín nhiệm của Mỹ. Không chỉ thế, S&P còn hạ mức triển vọng của Mỹ xuống thành tiêu cực, mở ra khả năng tiếp tục hạ điểm tín nhiệm của Mỹ trong tương lai.

Điều không hay với Tổng thống Mỹ

Tuy đã được dự kiến từ nhiều ngày qua, nhưng hành động của S&P là điều bẽ bàng đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama và nó có thể làm tăng chi phí cho các khoản vay của chính phủ Mỹ.

Nhà Trắng đã lên tiếng phản đối đánh giá của S&P.

Về phần mình, Bộ Tài chính Mỹ cho là quyết định hạ điểm của S&P không xác đáng. Các quan chức Mỹ ở Washington nói với truyền thông nước này rằng các con số của S&P đã sai lệch lớn. Các nguồn không nêu tên nói một quan chức của Bộ Tài chính Mỹ phát hiện ra một tính toán sai lên tới 2.000 tỷ USD trong đánh giá của S&P.

Họ tin rằng quyết định này được dựa trên những bất đồng chính trị trong thời gian có tranh cãi về mức nợ quốc gia, hơn là dựa trên khả năng trả nợ của nước Mỹ. Họ dẫn chứng rằng hai tổ chức tín dụng có uy tín khác, Moody's và Fitch, tiếp tục đánh giá Mỹ là AAA.

Cho dù thế, S&P vẫn duy trì quyết định của họ.

Phản ứng trước sự tụt giảm xếp hạng tín dụng Mỹ, Đảng dân chủ yêu cầu Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Gainer từ chức.

Cơ quan thẩm định tài chính vẫn trung thành với lôgíc từng đươc nêu lên vào giữa tháng 7 vừa qua, khi cảnh báo là điểm tín nhiệm của Mỹ có thề bị hạ thấp nếu Nhà Trắng và Quốc hội không thỏa thuận được trên một kế hoạch đáng tin cậy để khống chế nợ công trong dài hạn, tức là khoảng 4000 tỷ USD trong vòng 10 năm.

Tuy nhiên, kế hoạch mà hai bên rất vất vả mới có thể thông qua hồi đầu tuần chỉ nêu lên 2.100 tỷ USD trên 10 năm, và 1.500 tỷ USD khác thì phải chờ một ủy ban ấn định vào cuối tháng 11.

S&P đã chỉ trích cả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ, nhưng họ gay gắt hơn đối với phía Cộng hoà trên vấn đề thuế.

Quốc tế phản ứng

Tuyên bố của S&P được đưa ra sau một tuần sụt giảm của các thị trường chứng khoản trên toàn cầu vì lo ngại về tốc độ phục hồi của kinh tế Mỹ cũng như cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng euro.

Tin tức không mấy tốt đẹp từ nước Mỹ đã gây hỗn loạn trên thị trường vốn quốc tế. Các chỉ số quốc tế đề xuống dốc hôm 5 và 6/8. Ảnh hưởng đến sự đổ vỡ này không chỉ có những tin tức từ Mỹ mà cả sự khủng hoảng nợ ở châu Âu, mà hiện nay mới có Italy và Tây Ban Nha đang đứng ở bờ vực.

Các quan chức tài chính châu Âu cố thuyết phục thị trường rằng sự đổ vỡ toàn cầu vẫn chưa thể xảy ra thêm những đòn đánh chính trị

Quốc tế đã có những phản ứng khác nhau đối với việc hạ mức độ khả tín này.

Các nhà phân tích nhận định việc hạ mức khả tín có thể ảnh hưởng tới niềm tin của giới đầu tư vào nền kinh tế lớn nhất thế giới. Kinh tế Mỹ đang chật vật với các khoản nợ lớn, mức thất nghiệp lên tới hơn 9% và đang có lo ngại Mỹ lại sẽ rơi vào suy thoái kinh tế.

Riêng Trung Quốc, với tư cách là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, đã kịch liệt chỉ trích Washington đã không đủ khả năng ngăn chặn bảng xếp hạng S&P sụp đổ. Hãng tin chính thức Xinhua đã cho rằng quyết định của S&P chỉ xác nhận một “sự thật kinh khủng”.

Là nước hiện nắm giữ 1.160 tỷ USD trái phiếu của Mỹ (tính đến tháng 5/2011), theo Xinhua, Trung Quốc từ nay “hoàn toàn có quyền đòi Mỹ xử lý các vấn đề nợ và đảm bảo sự an toàn cho những tài sản bằng USD của Trung Quốc”.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng phản ứng tiêu cực trước sự tụt giảm xếp hạng tín dụng Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia kêu gọi các giới có phản ứng bình tĩnh đối với việc giảm mức độ khả tín của Mỹ.

Nhật Bản chủ nợ thứ hai của Mỹ cho biết vẫn tin tưởng và sẽ tiếp tục mua công trái Mỹ. Hàn Quốc, một chủ nợ khác, đã họp khẩn cấp để xem xét tình hình, nhưng khẳng định ngay là “không có gì để lo ngại quá đáng”.

Nguyễn Viết
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm