1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ lần đầu cấp đạn xuyên giáp cho Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Chính phủ Mỹ ngày 6/9 thông báo cung cấp gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, trong đó có đạn uranium nghèo.

Mỹ lần đầu cấp đạn xuyên giáp cho Ukraine - 1

Đạn uranium nghèo có thể sử dụng để xuyên giáp, phá hủy mục tiêu như xe tăng (Ảnh minh họa: AFP)

Theo thông cáo của Lầu Năm Góc, gói viện trợ quân sự mới trị giá 175 triệu USD sẽ bao gồm đạn pháo 120mm với lõi từ uranium nghèo dành cho xe tăng Abrams.

Đây là lần đầu tiên Washington chuyển đạn uranium nghèo cho Ukraine. Trước đó, chỉ có Anh cấp loại đạn này cho Ukraine để sử dụng cho xe tăng Challenger 2.

Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu hạt nhân được sử dụng để sản xuất nhiên liệu hạt nhân hoặc vũ khí hạt nhân. Mặc dù mức độ bức xạ tương đối thấp nhưng loại đạn này vẫn có thể gây hại nghiêm trọng nếu sử dụng với số lượng lớn trong thời gian ngắn.

Uranium nghèo thích hợp để làm đạn xuyên giáp vì dễ cháy. Khi va chạm với mục tiêu cứng như xe bọc thép, mũi của loại đạn này sẽ giải phóng năng lượng nhiệt khiến nó bốc cháy đốt cháy đạn dược và nhiên liệu, sát thương tổ lái và có thể khiến xe đối phương phát nổ.

Uranium nghèo cũng được dùng làm đạn xuyên giáp cho pháo cỡ nòng 30mm, 25mm, 20mm gắn trên máy bay, trực thăng, xe chiến đấu bọc thép, tàu mặt nước.

Ngoài ra, gói viện trợ còn bao gồm thiết bị phòng không, đạn dược cho các hệ thống rocket phóng loạt HIMARS, đạn pháo cỡ nòng 155mm và 105mm, cũng như súng cối 81mm và đạn tương ứng kèm theo.

Gói viện trợ cũng có các tổ hợp chống tăng TOW, Javelin và AT-4, hơn 3 triệu viên đạn dành cho vũ khí xạ kích, phương tiện định vị hàng không, hệ thống liên lạc chiến thuật, thuốc nổ phá chướng ngại vật, phụ tùng thay thế cho các kỹ thuật đã chuyển giao trước đó và thiết bị bảo dưỡng.

Đây là gói viện trợ thứ 46 của Mỹ dành cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái và là một phần trong gói viện trợ trị giá hơn 1 tỷ USD được công bố nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Kiev ngày 6/9. Tổng cộng Mỹ đã cấp hơn 43 tỷ USD viện trợ an ninh cho Ukraine.

Tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Mỹ Blinken, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba gọi viện trợ quân sự của Mỹ là "đầu tư có lợi nhất cho an ninh thế giới".

"Viện trợ quân sự cũng như tài chính cho Ukraine không phải là viện trợ nhân đạo. Tôi muốn nhấn mạnh đây là đầu tư có lợi nhất của Mỹ cho an ninh của châu Âu và thế giới", ông Kuleba nói.

Về phần mình, tại cuộc họp báo, ông Blinken nói, Mỹ hiểu con đường phía trước của Ukraine không dễ dàng và Mỹ sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Kiev. Ông nhấn mạnh, Mỹ và Ukraine đều tin tưởng cuộc phản công của Kiev đang tiến triển. Ông cho biết, Ukraine đã giành lại hơn 50% lãnh thổ bị Nga kiểm soát kể từ tháng 2/2022.

Ngoài ra, nhà ngoại giao Mỹ cho hay, Mỹ sẽ lần đầu tiên chuyển các tài sản tịch thu của Nga cho Ukraine. Tuy nhiên, ông không nêu rõ về giá trị khối tài sản đó cũng như thời điểm Washington sẽ bàn giao.

Theo Politico

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm