1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ lại giật mình vì "văn hóa súng đạn"

Việc cảnh sát Mỹ tìm thấy 12 thiết bị giống bom hình ống cùng hàng nghìn băng đạn tại nhà của S. Farook và T. Malik, 2 nghi phạm gây ra vụ xả súng hôm 2-12 tại thành phố San Bernardino, bang California làm 14 người thiệt mạng đang khiến người ta giật mình về nạn súng đạn ở nước này.

Mỹ lại giật mình vì "văn hóa súng đạn" - 1

 Hội chợ súng - hoạt động khá phổ biến ở Mỹ

Phát biểu với báo giới, Cảnh sát trưởng thành phố San Bernardino J. Burguan cho hay, 4 khẩu súng sử dụng trong vụ tấn công này được mua hợp pháp. Dù chưa khẳng định vụ tấn công vào bữa tiệc tại trung tâm đào tạo người khuyết tật ở San Bernardino là hành động khủng bố nhưng giới chức tình báo Mỹ cho biết, nghi can S. Farook đã liên lạc với lực lượng Hồi giáo cực đoan trên mạng truyền thông xã hội và nói rõ tên này và vợ có đủ số bom, đạn khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Xả súng không phải là chuyện hiếm ở Mỹ. Trang mạng chuyên theo dõi các vụ xả súng với tên miền Shootingtracker.com đã công bố thống kê cho biết, thảm họa tại thành phố San Bernardino hôm 2-12 vừa qua là vụ xả súng thứ 353 trong 336 ngày từ đầu năm 2015 tại Mỹ.  Như vậy, tại Mỹ mỗi ngày có nhiều hơn một vụ xả súng và vụ việc mới nhất tại San Bernardio được cho là thảm kịch tồi tệ nhất sau vụ xả súng tại trường học Newtown, bang Connecticut năm 2012 khiến 26 người thiệt mạng, trong đó có 20 trẻ em.

Đây là hệ quả tất yếu từ cái gọi là “văn hóa súng đạn” ở Mỹ. Với thông điệp “mọi người cần phải có súng để tự vệ một cách công bằng, bởi tội phạm  đương nhiên luôn có vũ khí dù luật pháp có cấm đoán”. Năm 1791 Hiến pháp Mỹ thông qua Luật sở hữu súng thuộc Luật về Quyền cá nhân, cho phép người dân có thể mang súng tới bất cứ đâu. Vì thế ở Mỹ, vũ khí được bày bán như nhiều loại hàng hóa khác. Người dân Mỹ có thể mua súng ở bất cứ đâu, từ các cửa hàng bán vũ khí, hiệu cầm đồ, hội chợ và thậm chí thông qua các giao dịch trên Internet. Theo bản phân tích năm 2013 của nhóm kiểm soát súng Mayors Against Illegal Guns, trong vòng 16 km, 98% dân số Mỹ sống gần một cửa hàng bán súng.

Súng đạn tự do nhiều hơn thì số người chết vì súng cũng tăng lên. Trung bình hàng năm tại Mỹ có khoảng 100.000 người thương vong do súng. Đây là quốc gia có tỷ lệ giết người liên quan tới vũ khí cao nhất trên thế giới. 6 trong số 44 Tổng thống Mỹ đã trở thành nạn nhân của các vụ ám sát bằng súng. Điều này khiến nhiều người Mỹ phải nghĩ lại về “văn hóa súng đạn” vốn tồn tại hàng trăm năm ở nước này.

Sau vụ xả súng tại trường học Newtown năm 2012, chính quyền của Tổng thống B. Obama đã đề xuất dự luật kiểm soát súng một cách chặt chẽ hơn. Đây là một gói đề xuất bao gồm mở rộng phạm vi kiểm tra hồ sơ lý lịch không chỉ với tất cả những người nộp đơn xin mua súng đạn mà sang cả các cuộc triển lãm súng, cũng như vụ mua bán súng qua mạng Internet... Tuy nhiên, văn kiện này đã bị Thượng viện bỏ phiếu phủ quyết, chủ yếu do sức ép từ Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ (NRA) với hơn 4,5 triệu thành viên vốn là một thế lực rất mạnh trong chính trường Mỹ.

Chưa kể một thực tế khác là tranh cãi về vấn đề sở hữu và dùng súng cá nhân ở Mỹ còn mang màu sắc thương mại. Hiện nay  Mỹ có tới 300 công ty sản xuất và kinh doanh bám vào thứ vũ khí bảo vệ nhưng cũng là giết người này với doanh số khoảng 6 tỷ USD mỗi năm. Để tăng doanh thu, Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ (NRA) còn tổ chức triển lãm thường niên để người dân học cách ngắm bắn và mua những khẩu súng mà họ thích.

Xem ra, câu chuyện “văn hóa súng đạn” còn tiếp tục chia rẽ nước Mỹ. Trong khi cuộc tranh cãi nội bộ này chưa chấm dứt, thì chắc chắn sẽ có thêm những vụ như ở San Bernardino.

Theo Hoàng Sơn

An ninh thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm