1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những điểm đáng chú ý trong thông điệp liên bang cuối cùng của ông Obama

(Dân trí) - Trong thông điệp liên bang cuối cùng, Tổng thống Mỹ Obama đã điểm lại những thành quả của 7 năm trong nhiệm kỳ, đồng thời kêu gọi nước Mỹ sẵn sàng hành động trước những thay đổi của thế giới, và đề nghị Quốc hội cho quân đội tấn công IS

Ông Obama kêu gọi người Mỹ kiên trì và nhẫn nại với cuộc chiến chống khủng bố. (Ảnh: AFP)
Ông Obama kêu gọi người Mỹ kiên trì và nhẫn nại với cuộc chiến chống khủng bố. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Obama đọc thông điệp liên bang cuối cùng trong nhiệm kỳ (Video: RT)

Mở đầu bài phát biểu được thực hiện tại Quốc hội, với sự góp mặt của Chủ tịch Hạ viện, Phó tổng thống Joe Biden cùng các nghị sỹ, ông Obama bày tỏ sự đánh giá cao cách tiếp cận của Quốc hội, khi thông qua ngân sách và đảm bảo việc cắt giảm thuế lâu dài cho các gia đình người lao động trong cuối năm ngoái. Ông hy vọng Quốc hội sẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ.

Sau khi điểm qua những công việc trước mắt cần thực hiện, trong đó có điều chỉnh hệ thống chính sách nhập cư và bảo vệ trẻ em trước bạo lực do súng, hay công bằng về lương bổng và việc làm…Tổng thống Mỹ khẳng định muốn dành bài phát biểu cuối cùng để "nói đến 5 năm, 10 năm và xa hơn nữa, về tương lai của nước Mỹ".

Đổi mới và đối diện thách thức

Theo đó, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định nước Mỹ đang đối diện với những thay đổi đặc biệt, “những thay đổi đang tái định hình cách chúng ta sống, cách chúng ta làm việc, hành tinh của chúng ta và vị trí của chúng ta trên thế giới”.

Một mặt những thay đổi đó mang đến cơ hội, nhưng đồng thời mở ra thách thức. Đó là thay đổi có thể mở rộng những cơ hội, nhưng cũng làm gia tăng bất bình đẳng. Và dù nước Mỹ muốn hay không, tốc độ diễn ra những đổi thay đó sẽ chỉ tăng thêm.

Trong quá khứ, nước Mỹ từng nhiều lần trải qua những thay đổi lớn, và mỗi lần như vậy, đều có những tiếng nói khẳng định “phải chặn đứng những thay đổi, hứa hẹn hồi sinh vinh quang quá khứ nếu chúng ta có thể kiểm soát một nhóm người hay ý tưởng nào đó đang đe dọa nước Mỹ”, ông Obama nói.

Nhưng rốt cuộc, như lời Lincoln nói, người Mỹ không thể dính chặt lấy “những giáo điều của quá khứ êm ả”. Và nhờ nhìn thấy cơ hội khi những người khác chỉ thấy hiểm nguy, nước Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn trước.

Ông khẳng định điều này đến nay vẫn còn đúng. Nhờ “sự lạc quan và đạo lý nghề nghiệp, tinh thần khám phá và đổi mới, sự đa dạng của nước Mỹ cùng cam kết vì pháp quyền” mà 7 năm qua nước Mỹ đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế “tồi tệ nhất trong nhiều thế hệ”.

Những thành tựu được ông Obama điểm lại gồm: cải cách hệ thống chăm sóc y tế, và hồi sinh lĩnh vực năng lượng, tăng phúc lợi và chăm sóc cho các binh sỹ và cựu chiến binh, người đồng tính được tự do kết hôn trên toàn nước Mỹ.

Khẳng định những bước tiến đó không phải là điều hiển nhiên, mà là kết quả “của những chọn lựa chúng ta cùng đưa ra”, ông Obama nói hiện nước Mỹ cũng đang đối diện với nhiều lựa chọn, xoay quanh 4 câu hỏi:

“Một là, làm cách nào để chúng ta đem lại cho mọi người cơ hội và sự đảm bảo bình đẳng trong nền kinh tế mới? Hai là làm sao để chúng ta khiến công nghệ trở nên hữu ích, và không chống lại chúng ta - nhất là trong việc giải quyết những thách thức cấp bách như biến đổi khí hậu?

Ba là, chúng ta phải làm gì để đảm bảo nước Mỹ an toàn và dẫn dắt thế giới mà không trở thành cảnh sát của thế giới?

Và cuối cùng, chúng ta phải làm gì để nền chính trị phản ánh những gì tốt đẹp nhất trong chúng ta, thay vì những điều tồi tệ nhất?”

Tăng đầu tư cho giáo dục

Về kinh tế, ông Obama tin rằng nước Mỹ “có nền kinh tế mạnh nhất, bền bỉ nhất thế giới”, minh chứng bởi hơn 14 triệu việc làm mới đã được tạo ra. Lĩnh vực sản xuất đã tạo ra gần 900.000 việc làm mới trong vòng 6 năm qua, trong khi mức thâm hụt ngân sách giảm gần 3/4.

Kinh tế là điểm sáng trong bài phát biểu của ông Obama. (Ảnh: AFP)
Kinh tế là điểm sáng trong bài phát biểu của ông Obama. (Ảnh: AFP)

Do đó, “bất kỳ ai cho rằng kinh tế Mỹ đang suy giảm đều đang rêu rao những điều phi thực tế”, Tổng thống Obama tuyên bố. Ông cho rằng lí do khiến người Mỹ thấy bất an thời gian qua là do nền kinh tế Mỹ đang thay đổi một cách sâu sắc, khi công nghệ có thể được ứng dụng để thay thế con người, và do tính chất toàn cầu hóa, các công ty có thể đặt trụ sở ở bất kỳ đầu trên thế giới.

“Hệ quả là, người lao động ít có đòn bẩy để được tăng lương. Các công ty ít trung thành hơn với cộng đồng của họ. Và ngày càng nhiều của cải và thu nhập được tập trung tại tầng lớp rất cao”, ông Obama phân tích. “Tất cả những xu thế đó đã khiến người lao động bị dồn ép, ngay cả khi họ có việc làm, ngay cả khi nền kinh tế đang tăng trưởng”.

Từ đó, ông đề xuất các giải pháp đẩy mạnh giáo dục. Trọng tâm được hướng tới là “giúp mọi trẻ em được giáo dục sớm, giúp mọi học sinh, sinh viên tham gia các lớp học thực hành về khoa học máy tính và toán, để họ sẵn sàng làm việc ngay từ ngày đầu tiên, tuyển dụng thêm và hỗ trợ các giáo viên.

Vấn đề giảm chi phí học đại học cũng được ông Obama đề cập, bởi theo ông “không nên để sinh viên chăm chỉ nào lại mắc kẹt trong nợ nần”. Đề xuất mạnh mẽ được đưa ra đó là miễn phí hoàn toàn 2 năm học phí tại các trường đại học cộng đồng, cho mọi sinh viên đủ điều kiện.

Tăng phúc lợi xã hội và bảo hiểm y tế

Ngoài việc đầu tư cho giáo dục, ông Obama cho rằng cần các chương trình phúc lợi và bảo vệ người lao động, để đem đến cho họ một sự đảm bảo cơ bản. “Đó là lí do vì sao An Sinh Xã Hội và chương trình chăm sóc y tế Medicare quan trọng hơn bao giờ hết”, Tổng thống Mỹ nói.

Trong bài phát biểu, ông Obama không quên công kích các ngân hàng, công ty dầu mỏ hay quỹ đầu cơ, dù đạt mức lợi nhuận kỷ lục nhiều năm, nhưng vẫn không đoái hoài tới người lao động. Dù thực tế rằng, trong thời kỳ khủng hoảng, chính người đóng thuế đã giúp các tập đoàn này trụ vững.

“Những người sống nhờ trợ cấp lương thực không gây ra khủng hoảng tài chính mà chính sự thiếu thận trọng trên phố Wall đã gây ra. Người nhập cư không phải lý do lương tăng không thỏa đáng. Những quyết định đó được đưa ra trong các phòng họp hội đồng quản trị, vốn thường đề cao con số lợi nhuận hàng quý hơn là lợi ích trong dài hạn”, ông Obama nói, trước khi bồi thêm chỉ trích rằng: “chắc chắn những gia đình trung lưu đang xem chương trình tối nay không phải những người né tránh thuế, thông qua các tài khoản mở tại nước ngoài”.

“Và năm nay tôi có kế hoạch giúp đỡ nhiều doanh nghiệp, những người nhận ra rằng đối xử đúng mực với người lao động của họ là điều tốt cho các cổ đông, khách hàng và cộng đồng”, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố.

Đối với câu hỏi lớn thứ hai về cách kích thích tinh thần đổi mới, để theo kịp thách thức mới, ông Obama đã dẫn ra ví dụ về cuộc chạy đua vào không gian giữa Mỹ và Liên Xô những năm 1950.

“60 năm trước, khi người Nga đánh bại chúng ta trong cuộc đua vào không gian, chúng ta không phủ nhận Sputnik đã được đưa lên quỹ đạo. Chúng ta không tranh luận về khoa học hay giảm ngân sách nghiên cứu và phát triển. Chúng ta đã xây dựng chương trình vũ trụ gần như chỉ trong một đêm, và 12 năm sau, người Mỹ đã bước đi trên mặt trăng”.

Khẳng định tinh thần khám phá, đổi mới có trong gen của người Mỹ, ông Obama tuyên bố phát động “một nỗ lực quốc gia mới” để điều trị ung thư, sau khi Viện Y tế Quốc gia Mỹ tìm ra một phương pháp mới. Ông cũng kêu gọi sự đầu tư, nghiên cứu các nguồn năng lượng sạch, chuyển đổi từ dùng năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch hơn.

Vai trò dẫn dắt thế giới

Với câu hỏi thứ ba, về đảm bảo an toàn cho nước Mỹ trước các mối đe dọa, ông Obama bác bỏ những cảnh báo rằng kẻ thù đang mạnh lên còn nước Mỹ đang suy yếu. “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là quốc gia hùng mạnh nhất Trái đất. Chấm hết”, ông Obama tuyên bố.

Cả Thượng và Hạ viện Mỹ cùng lắng nghe thông điệp liên bang cuối cùng của ông Obama. (Ảnh: AP)
Cả Thượng và Hạ viện Mỹ cùng lắng nghe thông điệp liên bang cuối cùng của ông Obama. (Ảnh: AP)

Ông khẳng định: “Không quốc gia nào dám tấn công chúng ta hay đồng minh của chúng ta bởi họ biết rằng đó là con đường dẫn tới sự tàn lụi. Khảo sát cho thấy vị thế của nước Mỹ trên thế giới giờ cao hơn thời điểm tôi vừa đắc cử”. Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh vai trò dẫn dắt thế giới với dẫn chứng “trước những vấn đề quốc tế quan trọng, thế giới không trông đợi Bắc Kinh hay Mátxcơva dẫn dắt - họ kêu gọi chúng ta”.

Obama khẳng định nước Mỹ bị đe dọa bởi “những quốc gia đang thất bại” hơn là “những đế chế quỷ quyệt”. Trong đó những biến động tại Trung Đông được nhận định sẽ còn tiếp diễn cả một thế hệ tới, với những xung đột có nguyên nhân từ thiên niên kỷ trước. “Kinh tế Trung Quốc đang gặp trở ngại. Còn Nga, dù kinh tế suy giảm, đang dốc nguồn lực vào Ukraine và Syria, những nước họ cho là đang trượt khỏi quỹ đạo của họ”, ông Obama nói.

Từ đó, ông đề ra các ưu tiên chính sách. Trước hết và quan trọng nhất là bảo vệ người Mỹ và tấn công các mạng lưới khủng bố, gồm cả Al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Ông Obama khẳng định nước Mỹ cần tiếp tục dựa vào các đồng minh chủ chốt trong cuộc chiến chống IS. Nhưng điểm đáng chú ý ông kêu gọi đó là Quốc hội Mỹ cần “cho phép sử dụng sức mạnh quân sự chống lại IS”. “Hãy tiến hành bỏ phiếu”, Tổng thống Mỹ đề nghị.

“Bài học từ Việt Nam”

Đối với các vấn đề đối ngoại khác, ông Obama cho rằng Mỹ không thể tiếp quản và tái thiết từng quốc gia rơi vào khủng hoảng. “Như vậy không phải lãnh đạo, đó là con đường dẫn tới sa lầy, làm người Mỹ thêm đổ máu và tiêu tốn của cải. Đó là bài học từ Việt Nam, từ Iraq - và giờ chúng ta phải nhận ra”.

Do vậy, ông chủ Nhà Trắng đề xuất một chiến lược “kiên nhẫn và kỷ luật”. Theo đó nước Mỹ sẽ luôn hành động, kể cả một mình khi cần, để bảo vệ người dân và đồng minh. Nhưng với các mối đe dọa toàn cầu, “chúng ta sẽ huy động thế giới cùng tham gia, và đảm bảo các nước khác tự đảm trách nhiệm vụ của mình”.

Tổng thống Mỹ không quên điểm lại những thành quả từ cách tiếp cận này, như liên minh quốc tế giải quyết vấn đề Syria, vấn đề hạt nhân Iran, khống chế đại dịch Ebola tại Tây Phi hay hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Với TPP, Trung Quốc không đặt ra quy tắc tại khu vực đó, mà là chúng ta”, Obama khẳng định, và kêu gọi Quốc hội bỏ phiếu thông qua. Ông cũng khẳng định sự sáng suốt của quyết định nối lại quan hệ với Cuba.

Trong năm cuối nhiệm kỳ, ông Obama cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy nỗ lực đóng cửa nhà tù tại vịnh Guantanamo, bởi cơ sở này “đắt đỏ, không cần thiết và chỉ phục vụ như công cụ tuyển mộ cho những kẻ thù của chúng ta”.

Dân chủ và tương lai của nước Mỹ

Bàn về tương lai nước Mỹ, ông Obama khẳng định “Hiến pháp của chúng ta được xây dựng với 3 từ đơn giản “We the People” (tạm dịch “Chúng ta là một dân tộc”). Những từ này đã định nghĩa được giá trị của không phải chỉ một số mà của tất cả người dân Mỹ, nhấn mạnh rằng chúng ta cùng nhau trải qua thăng trầm”.

Do vậy, tương lai mà nước Mỹ hướng đến, bao gồm sự an toàn và những cơ hội mới cho mỗi gia đình, một mức sống cao hơn và một hành tinh hòa bình, bền vững cho thế hệ sau, chỉ thành sự thật khi tất cả cùng nhau thực hiện.

Ông cho rằng một nền chính trị tốt hơn không có nghĩa mọi người phải đồng thuận về tất cả mọi vấn đề. Thế nhưng nền dân chủ đòi hỏi sự tin tưởng giữa những con người với nhau. “Dân chủ sẽ không phát huy hiệu quả nếu chúng ta nghĩ những người không có cùng quan điểm với chúng ta là những người có tư tưởng chống đối, hay quy chụp họ là những người không yêu nước”, Obama phân tích.

Tổng thống Mỹ tin rằng dân chủ sẽ bị hạn chế nếu mọi người không có một tinh thần sẵn sàng thỏa hiệp, hay khi một vấn đề cơ bản được đưa ra tranh luận, chúng ta chỉ lắng nghe những người đồng thuận với mình.

“Điều quan trọng nhất, nền dân chủ sẽ đổ vỡ nếu những người bình thường cảm thấy tiếng nói của họ không quan trọng, rằng hệ thống chính trị đang bảo vệ về lợi ích của những người giàu hay bị một số quyền lực thao túng”, Obama nhận xét, trước khi cho rằng nhiều người Mỹ đang cảm thấy điều đó. Ông lấy làm tiếc khi trong nhiệm kỳ của mình sự đối đầu và sự nghi ngờ giữa các đảng phái ngày càng tồi tệ hơn.

Obama kêu gọi mọi người dân cùng tham gia nỗ lực thay đổi hệ thống chính trị, bởi nếu chỉ thay đổi một Nghị sĩ hay Thượng nghị sĩ hay thậm chí là một Tổng thống là không đủ.

Những giải pháp ông đề xuất gồm: Chấm dứt việc khoanh vùng để các chính trị gia có thể vận động người dân bỏ phiếu cho họ, giảm thiểu sức ảnh hưởng của đồng tiền tới hệ thống chính trị, tìm giải pháp thiết thực hơn cho hoạt động vận động tài chính, đơn giản hóa việc bỏ phiếu.

“Những gì tôi đang đòi hỏi đều khó khăn. Sẽ rất dễ dàng để hoài nghi, để chấp nhận rằng không thể thay đổi, rằng chính trị là vô vọng và cho rằng tiếng nói và hành động của chúng ta là điều không quan trọng. Nhưng nếu bây giờ chúng ta từ bỏ có nghĩa là chúng ta đã từ bỏ một tương lai tốt đẹp hơn”, ông Obama nói.

Khép lại bài phát biểu, ông Obama khẳng định “người Mỹ và chúng ta được ràng buộc bởi một đức tin chung” không phân biệt màu da, sắc tộc, đảng phái, tôn giáo, nguồn gốc, đồng tính hay dị tính. Dù họ là ai, làm công việc gì, tất cả đều lạc quan, tin tưởng vào tương lai, vào công việc của mình, “tin rằng mỗi lá phiếu đều có giá trị của nó”.

“Đó là nước Mỹ mà tôi biết. Đó là nước Mỹ mà tôi yêu. Rõ ràng và lạc quan. Lạc quan về một tình yêu thương vô điều kiện và sự thật không súng đạn. Đó là điều khiến tôi hy vọng về tương lai của chúng ta. Tất cả là vì các bạn. Tôi tin các bạn. Đó là lý do tôi đứng đây, tin tưởng rằng đất nước chúng ta vô cùng mạnh mẽ”, ông Obama chốt lại.

Thanh Tùng - Nhật Minh