1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ không chịu dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen

Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, rất có thể có những khuất tất trong việc Mỹ không chịu dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen và rằng CIA đang che giấu điều gì đó.

CIA có nhiều bằng chứng về hoạt động của Giáo sĩ Fethullah Gulen - Đây là lời khẳng định của Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag khi được hỏi về sự liên hệ giữa Mỹ với Giáo sĩ Fethullah Gulen.

Trong khi đó, một đoàn chuyên gia của Bộ Tư pháp Mỹ ngày 20-8 cũng đã rời thủ đô Washington D.C để tới Thổ Nhĩ Kỳ, xem xét các bằng chứng mà chính quyền Ankara đưa ra nhằm buộc tội Giáo sĩ Fethullah Gulen đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành hồi trung tuần tháng 7.

Trả lời phỏng vấn báo giới trong một sự kiện ở thủ đô Ankara hôm 19-8, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho biết, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã thu thập được rất nhiều bằng chứng hơn cả tình báo Thổ Nhĩ Kỳ về những hoạt động cũng như sự liên quan của Giáo sĩ Fethullah Gulen trong cuộc đảo chính bất thành hôm 15-7.

Ông Bekir Bozdag nói: “Sự từ chối của Mỹ về việc đưa thông tin xung quanh hoạt động của tổ chức FETO do Giáo sĩ Fethullah Gulen thành lập đã cho thấy một sự bất hợp tác và đánh lừa dư luận thế giới”.

Giáo sĩ Fethullah Gulen đã sống lưu vong ở Pennsylvania từ năm 1999. Ảnh: Reuters.
Giáo sĩ Fethullah Gulen đã sống lưu vong ở Pennsylvania từ năm 1999. Ảnh: Reuters.

Nhắc đến chuyện Giáo sĩ Fethullah Gulen đã sống lưu vong ở Pennsylvania từ năm 1999, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, CIA có trong tay toàn bộ danh sách các thành viên cộm cán của FETO, những người mà Giáo sĩ Fethullah Gulen hay nói chuyện và thậm chí cả danh sách những kẻ hay tới thăm nhà riêng của giáo sĩ này ở Mỹ.

Ông Bekir Bozdag nhấn mạnh: “Tôi chắc chắn CIA có tất cả. Họ cũng đã có những cái tên đáng khả nghi. Thậm chí họ còn có thể biết cả việc Giáo sĩ Fethullah Gulen chuẩn bị thế nào cho cuộc đảo chính bất thành vừa qua”.

Chưa hết, với những thông tin được đưa ra nói trên, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ còn cho rằng, rất có thể có những khuất tất trong việc này và rằng CIA đang che giấu điều gì đó.

Để minh chứng cho việc bất hợp tác của Mỹ trong vấn đề này, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ còn cho biết thêm rằng, năm 1979, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận tại Ankara về việc “Dẫn độ những người có tội và hỗ trợ điều tra các vụ án”.

Điều 9 trong thỏa thuận này có ghi: “Sau khi ký kết, khi nhận được các thông tin và tài liệu liên quan đến yêu cầu dẫn độ, bên còn lại phải thực hiện các biện pháp cần thiết trong đó có việc truy tìm những kẻ bị truy nã”.

Còn điều 10 của thỏa thuận này, theo ông Bekir Bozdag, cũng đã nói rõ về việc đối với những trường hợp khẩn cấp, khi một trong hai bên yêu cầu thì bên còn lại có thể bắt giữ tạm thời hoặc truy đuổi kẻ bị truy nã cho bên kia…

Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ giải thích rằng, với thỏa thuận này, Ankara hoàn toàn có quyền yêu cầu bắt giữ Giáo sĩ Fethullah Gulen và việc nhà chức trách Mỹ không thực thi yêu cầu này có nghĩa họ đã vi phạm thỏa thuận được ký kết.

Nguồn tin từ hãng thông tấn AA cho biết, cho đến nay, chính quyền Ankara đã gửi 4 công văn tới Mỹ yêu cầu dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen và kèm nhiều tài liệu chứng minh sự liên quan của ông này với cuộc đảo chính bất thành.

Ngày 20-8, một đoàn chuyên gia của Bộ Tư pháp Mỹ đã rời thủ đô Washington D.C để tới Thổ Nhĩ Kỳ, xem xét các bằng chứng mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra nhằm buộc tội Giáo sĩ Fethullah Gulen.

Hãng tin Bloomberg News dẫn lời một quan chức trong chính phủ Mỹ cho hay, nếu các chuyên gia này xác nhận những bằng chứng mà Ankara đưa ra là đủ thuyết phục thì hai bên sẽ có những cuộc tiếp xúc và bàn thảo về quá trình dẫn độ giáo sĩ này.

Tờ Bưu điện Washington thì cho hay, ngoài cáo buộc đứng đằng sau cuộc đảo chính, Giáo sĩ Fethullah Gulen còn bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra nhiều cáo buộc khác và trước khi cuộc đảo chính bất thành nổ ra, Ankara cũng từng đề nghị Washington cho phép dẫn độ ông này về nước.

Cho đến nay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vẫn liên tục khẳng định rằng Giáo sĩ Fethullah Gulen là kẻ chủ mưu và đứng đằng sau cuộc đảo chính. Thậm chí, ông Tayyip Erdogan còn ra tối hậu thư với Mỹ, yêu cầu chính quyền Washington lựa chọn giữa mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ hoặc là giải tán phong trào FETO do Giáo sĩ Fethullah Gulen.

Trong một diễn biến khác, hôm 18-8, cảnh sát ở Azerbaijan tuyên bố họ đã bắt giữ được 4 người đàn ông bị nghi ngờ có liên quan đến Giáo sĩ Fethullah Gulen.

Azerbaijan là đồng minh thân thiết với Thổ Nhĩ Kỳ và từ đầu tháng 8 đã mở chiến dịch chống lại những kẻ ủng hộ Giáo sĩ Fethullah Gulen. Chính phủ nước này hồi cuối tháng trước còn đóng cửa cả kênh truyền hình tư nhân vì có ý định phát sóng cuộc phỏng vấn độc quyền với Giáo sĩ Fethullah Gulen.

Theo Sông Thương

An ninh thế giới