1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ khẳng định bảo vệ Philippines trước các cuộc tấn công trên Biển Đông

(Dân trí) - Một quan chức cấp cao của Mỹ khẳng định vai trò của hiệp ước phòng vệ chung với Philippines trong trường hợp xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng của hai nước trên Biển Đông.

Mỹ khẳng định bảo vệ Philippines trước các cuộc tấn công trên Biển Đông - 1

 Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Patrick Murphy (Ảnh: MANILA BULLETIN)

Phát biểu tại một cuộc họp qua điện thoại với các phóng viên tại Manila, Philippines hôm 22/3, Patrick Murphy, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết cả Mỹ và Philippines đều chưa đưa ra bất kỳ đề nghị nào liên quan tới việc đàm phán lại Hiệp ước Phòng vệ chung 1951.

“Không bên nào đưa ra đề nghị về việc tái đàm phán hiệp ước. Chúng tôi vẫn thường xuyên thảo luận và hội đàm theo các kênh phù hợp với các cơ chế phù hợp về hiệp ước”, ông Murphy nói.

“Quan điểm của chúng tôi về Hiệp ước Phòng vệ chung 1951 là Biển Đông, theo đúng mục đích của hiệp ước, là một phần của Thái Bình Dương. Do vậy, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các tài sản và nhân lực của Mỹ hoặc Philippines tại khu vực này cũng làm nảy sinh trách nhiệm và cơ hội do hiệp ước đưa ra”, quan chức ngoại giao Mỹ nói từ Hawaii.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana từng hối thúc việc xem xét lại hiệp ước phòng vệ chung ra đời từ cách đây hàng chục năm với Mỹ. Theo ông Lorenzana, mục đích của động thái này là nhằm làm rõ hơn các nội dung trong hiệp ước cũng như giúp hiệp ước trở nên phù hợp hơn với bối cảnh hiện tại.

“Hiện nay có nhiều tiếng nói tại Philippines đưa ra nhận định về hiệp ước này. Tuy nhiên, tôi chia sẻ với các bạn quan điểm chính thức rằng, không có bất kỳ đề nghị nào liên quan tới việc tái đàm phán hiệp ước và việc làm rõ hiệp ước là quan điểm được các bên chia sẻ”, ông Murphy cho biết thêm.

Mỹ khẳng định bảo vệ Philippines trước các cuộc tấn công trên Biển Đông - 2

Tàu USS Blue Ridge, soái hạm Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, ở ngoài khơi Manila trong chuyến thăm thường kỳ tới Philippines hôm 13/3. (Ảnh: AP)

Mỹ và Philippines đã ký hiệp ước phòng vệ chung vào năm 1951, trong đó hai nước đồng minh cam kết sẵn sàng hỗ trợ bên còn lại trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào vùng lãnh thổ đất liền hoặc đảo thuộc quyền tài phán của mỗi bên tại Thái Bình Dương, hoặc nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu và máy bay dân sự của mỗi bên tại Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, một vấn đề từ lâu vẫn chưa được làm rõ đó là liệu Biển Đông có nằm trong khu vực “Thái Bình Dương” mà hiệp ước phòng vệ chung Mỹ - Philippines sẽ được áp dụng trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang hay không. Nếu không, Philippines sẽ phải tự hành xử một mình trong trường hợp xung đột xảy ra và không nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ.

Ngày 1/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố: “Bất kỳ một cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào các lực lượng, máy bay hoặc tàu dân sự của Philippines trên Biển Đông cũng sẽ kích hoạt các nghĩa vụ phòng vệ chung theo Điều IV hiệp ước phòng vệ chung”.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo được cho là động thái mạnh mẽ nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm “tăng cường cam kết của Mỹ đối với các đồng minh đã được thiết lập” tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. 

Mỹ tính đưa hàng nghìn quân tới Thái Bình Dương

Mỹ khẳng định bảo vệ Philippines trước các cuộc tấn công trên Biển Đông - 3

Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Mỹ Robert Brown trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8/2018  (Ảnh: Toàn Vũ)

 

Trong một cuộc phỏng vấn vào tuần này, Tướng Robert Brown, Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Mỹ, cho biết quân đội Mỹ đang lên kế hoạch triển khai thêm từ 5.000-10.000 quân tới Thái Bình Dương. Đây là một phần trong khái niệm “triển khai lực lượng năng động”, giúp triển khai lực lượng quân sự Mỹ linh hoạt và bất ngờ hơn.

Tướng Brown cho biết kế hoạch này sẽ bổ sung số binh sĩ tương đương một sở chỉ huy cấp sư đoàn và một vài lữ đoàn vào lực lượng đang được triển khai luân phiên tại Thái Bình Dương. Theo đó, các lực lượng luân phiên hiện thời trong khu vực vẫn sẽ thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong khi lực lượng mới bổ sung sẽ tăng cường thêm sức mạnh cho lực lượng sẵn có.

Tướng James McConville, Phó tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, cũng xác nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng ý tưởng bổ sung quân nói trên từng được hé lộ vào năm 2018. Đây là một phần trong Chiến lược Quốc phòng với mục tiêu khôi phục sự sẵn sàng của các lực lượng để chuẩn bị cho các cuộc xung đột lớn trong khoảng thời gian ngắn.

“Chúng tôi đang nói về việc triển khai binh sĩ tới một nơi có những năng lực nhất định dựa trên các đối tác mà chúng tôi đang làm việc cùng. Từ đó, Mỹ có khả năng linh hoạt trong việc dịch chuyển binh sĩ trên toàn cầu cũng như trong khu vực theo cách mà chúng tôi phản hồi yêu cầu của đối tác”, Tướng McConville cho biết.

Cả Tướng Brown và Tướng McConnville đều không tiết lộ chính xác đơn vị nào sẽ trở thành lữ đoàn đầu tiên được triển khai như một lực lượng bổ sung của Mỹ tới Thái Bình Dương. Cả hai quan chức cấp cao của quân đội Mỹ cũng không nói khi nào đợt triển khai bắt đầu diễn ra.

Tướng Brown cho biết binh sĩ Mỹ đang triển khai luân phiên tại một số quốc gia sẽ ở lại lâu hơn. Ví dụ vào mùa hè năm nay, lính Mỹ sẽ huấn luyện tại Philippines 4 tháng, còn sang năm, đợt triển khai luân phiên này sẽ kéo dài 6 tháng.

Ngoài Philippines, Mỹ hiện triển khai lực lượng quân sự tại một số nước đồng minh châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Vùng lãnh thổ đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương cũng là nơi đồn trú của các binh sĩ và dàn khí tài hùng hậu, phục vụ cho các hoạt động của Mỹ trong khu vực.

Thành Đạt

Theo Philstar