1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ kê toa cho biển Đông chưa đủ liều

Vấn đề của Washington trong thời bình là liệu họ có đủ tàu chiến để trấn an các đồng minh và đối tác hay không

Đảng Cộng hòa Mỹ (GOP) đang tăng cường kêu gọi bổ sung nguồn lực cho hải quân giữa lúc Trung Quốc liên tục có những hành động đơn phương sai trái khiến căng thẳng ở biển Đông leo thang.

Ông Paul Ryan, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, hôm 7-1 cho rằng tình hình biển Đông hiện nay cho thấy Washington cần duy trì một lực lượng hải quân hùng mạnh để răn đe Bắc Kinh. Trong khi đó, ông Marco Rubio, ứng viên tổng thống Mỹ của GOP, tuyên bố sẽ cho tàu tuần tra biển Đông để thách thức những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc cũng như tăng cường hợp tác với các đồng minh trong khu vực nếu đắc cử.

“Chúng ta cần tiếp thêm sinh khí cho liên minh quân sự ở Thái Bình Dương và điều này bắt đầu bằng việc Mỹ đầu tư nguồn lực cần thiết để xây dựng lại lực lượng hải quân” - ông Rubio phát biểu trên kênh Fox Business Network.

Mỹ kê toa cho biển Đông chưa đủ liều - 1

Máy bay chiến đấu hạ cánh xuống tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ trong cuộc tập trận hải quân ở châu Á năm 2015. (Ảnh: AP)

Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi hãng tin AP đưa tin số lượng tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hiện ít hơn trước, ngay cả khi nước này và các đồng minh đối mặt thách thức từ sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc. Ông Peter Jennings, một chuyên gia của Viện Chính sách chiến lược Úc, cho rằng vấn đề của Mỹ trong thời bình là liệu họ có đủ tàu chiến để trấn an các đồng minh và đối tác hay không.

Theo thống kê, Hạm đội Thái Bình Dương có 182 tàu chiến các loại, giảm 10 chiếc so với gần 2 thập kỷ trước. Trong khi đó, theo một báo cáo được Lầu Năm Góc công bố hồi tháng 8-2015, hải quân Trung Quốc có hơn 300 tàu các loại.

Để xoa dịu nỗi lo trên, hải quân Mỹ khẳng định việc tàu chiến được trang bị vũ khí, công nghệ tiên tiến hơn đã bù đắp cho sự sụt giảm về số lượng. Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, cũng tin vào sức mạnh của lực lượng này khi trả lời phỏng vấn hãng tin AP.

Sự tự tin nói trên là điều các đồng minh Mỹ muốn thấy sau khi Trung Quốc ngang ngược điều máy bay dân sự tới Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 7-1 chỉ trích hành động sai trái này làm leo thang căng thẳng và gây bất ổn trong khu vực.

Tình hình biển Đông có thể càng xấu đi sau khi ông Hứa Quảng Ngọc, một tướng Trung Quốc về hưu, cho rằng máy bay quân sự nước này sẽ sớm tiến hành các chuyến bay thử tại đường băng mới xây dựng phi pháp ở Đá Chữ Thập, có lẽ là trong nửa đầu năm nay.

Theo ông Hứa, Bắc Kinh có thể sử dụng đường băng để tiến hành tuần tra quân sự ở biển Đông trong thời gian tới, qua đó đi ngược lại lập luận “phục vụ mục đích dân sự” cũ rích mà giới chức Trung Quốc vẫn dùng để biện hộ việc bồi lấn, xây dựng phi pháp ở vùng biển này.

Hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông dự kiến là một trong những nội dung thảo luận chính tại cuộc gặp giữa bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng Philippines và những người đồng cấp Mỹ tại thủ đô Washington trong ngày 12-1.

“Chúng tôi dự định bàn về vấn đề tăng cường quan hệ song phương và vấn đề biển Đông” - Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết hôm 7-1.

Cũng theo ông Gazmin, hai bên có thể còn bàn về Hiệp định Hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA), theo đó sẽ cho phép Mỹ tiếp cận nhiều hơn các căn cứ quân sự Philippines cũng như triển khai vũ khí, thiết bị quân sự trên lãnh thổ nước này.

Cùng ngày, phát biểu trong chuyến thăm Philippines, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nhấn mạnh tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông không phải là thứ để đem ra thương thảo. Ông Hammond cũng khẳng định London sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do đi lại của mình trong khu vực.

Theo Hoàng Phương

Người Lao động