1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ hối thúc Nga không cho Snowden tị nạn

(Dân trí) - Washington hôm qua đã bác bỏ các cáo buộc nói rằng cựu nhân viên CIA Edward Snowden đang bị chính phủ Mỹ gây khó dễ, đồng thời một lần nữa kêu gọi Nga không cho Snowden tị nạn và gửi trả anh này về Mỹ để xét xử.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney.

Nhà Trắng đã khẳng định lại lập trường rằng Snowden phải bị trục xuất khỏi Nga và đối mặt với phiên tòa tại Mỹ về tội làm gián điệp và đánh cắp tài sản.

"Snowden không nên được phép tham gia vào bất kỳ chuyến đi quốc tế nào nữa, ngoại trừ trở về Mỹ", phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 16/7.

"Anh ta không phải là một nhà hoạt động nhân quyền. Anh ta cũng không phải là một thành phần chống đối, mà bị cáo buộc tiết lộ thông tin mật.

Anh ta là một công nhân Mỹ bị cáo buộc phạm các tội danh và theo luật pháp của chúng tôi anh ta phải phải trở về Mỹ để đối mặt với tòa án", ông Carney nhấn mạnh.

Trước đó, Cơ quan dịch vụ di cư liên bang Nga xác nhận đã nhận được đơn xin tị nạn tạm thời của Snowden.

Anatoly Kucherena, một luật sư có tiếng tại Nga, cho hay Snowden đã nộp đơn xin tị nạn, trong đó nói rằng anh cảm thấy "bị chính phủ Mỹ truy đuổi... và vì thế anh lo lắng cho mạng sống, sự an toàn của mình".

"Snowden sợ rằng anh ấy sẽ bị tra tấn hoặc bị hành hình", ông Kucherena nói với kênh truyền hình Rossiya-24.

Nga và Mỹ đã vướng vào cuộc tranh cãi về việc phải làm gì với Snowden kể từ khi anh này tới sân bay quốc tế chính ở Mátxcơva hôm 23/6.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 15/7 nói rằng Snowden "đã tới lãnh thổ chúng tôi mà không được mời" và Mỹ đã "nhốt" anh này tại Mátxcơva bằng cách đe dọa các quốc gia mà anh xin tị nạn.

Ông Putin cũng nói, Nga sẽ không cho Snowden tị nạn lâu dài vì anh này từ chối ngừng "chiến đấu vì nhân quyền", vốn có thể gây căng thẳng trong quan hệ giữa Mátxcơva với Washington.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Carney hôm qua đã bày tỏ lo ngại rằng vụ Snowden có thể gây ra các vấn đề lâu dài trong quan hệ Nga-Mỹ.

"Các mối quan hệ này rất quan trọng và hai nước đang tham gia vào một loạt các vấn đề quan trọng, cả về kinh tế và an ninh. Chúng tôi muốn mối quan hệ đó không bị ảnh hưởng bởi vấn đề này", ông Carney nói.

Theo luật sư Kucherena, nếu Nga cho phép Snowden tị nạn, anh này có thể được hưởng quy chế tị nạn trong một năm, cho phép anh này có thể nhận việc làm và đi lại tự do.

Snowden cũng có thể vạch kế hoạch dài hơi để đảm bảo một lộ trình an toàn tới một trong những quốc gia Mỹ La-tinh vốn đồng ý cho anh này tị nạn.

An Bình
Theo AP, RIA