Mỹ - Hàn ký kết kế hoạch răn đe tấn công hạt nhân từ Triều Tiên
(Dân trí) - Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Hàn quốc hôm nay 2/10 đã cùng ký kết một bản kế hoạch chiến lược mới, trong đó có những hành động “răn đe” được thiết kế dành riêng để chống lại mối đe dọa tấn công hạt nhân từ Triều Tiên.
Thông báo chung được hai nước đưa ra sau lễ ký kết khẳng định, bản kế hoạch hành động tạo ra “một khuôn khổ chiến lược” trong liên minh quân đội hai nước, để đối phó với “những tình huống đe dọa hạt nhân chủ yếu từ Triều Tiên”, cả ở hiện tại và khi có chiến tranh.
Bản kế hoạch được ký bởi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, người đang có chuyến thăm Hàn Quốc. Ông Hagel đã tái khẳng định sự cam kết của Mỹ trong việc sử dụng mọi năng lực quân sự - thông thường và hạt nhân - để đem đến cho Hàn Quốc một “sự răn đe mở rộng, đáng tin cậy, hữu hiệu và lâu bền”.
Tuyên bố chung không cung cấp chi tiết cụ thể các biện pháp được dự liệu bởi chiến lược mới, nhưng hầu như chắc chắn chiến lược này sẽ bị Triều Tiên lên án như một bước đi khiêu khích.
Trong buổi họp báo, ông Hagel nhấn mạnh rằng bản kế hoạch có tính tới toàn bộ các vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên, kể cả vũ khí hóa học. Theo các quan chức quốc phòng Hàn Quốc, Triều Tiên có thể sở hữu tới 5000 tấn vũ khí hóa học.
“Không có gì để nghi ngờ rằng việc Triều Tiên sử dụng vũ khí hóa học sẽ là không thể chấp nhận được”, Bộ trưởng Hagel tuyên bố.
Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin khẳng định bản kế hoạch song phương sẽ “tăng cường mạnh mẽ hiệu lực răn đe của liên minh đối với Triều Tiên”.
Trong các cuộc hội đàm với ông Kim, ông Hagel cho biết đã lắng nghe “một cách rất nghiêm túc” những ý kiến của Hàn Quốc đối với việc Mỹ gia hạn quyền huy của Mỹ đối với các lực lượng liên quân Mỹ - Hàn trong trường hợp có chiến tranh với Triều Tiên.
Hàn Quốc theo kế hoạch sẽ tiếp nhận quyền chỉ huy thời chiến trong năm 2015, nhưng nước này đã yêu cầu lùi thời hạn này trong bối cảnh mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên ngày càng tăng.
Washington thì từng khẳng định muốn thực hiện theo kế hoạch ban đầu, nhưng ông Hagel cho biết các cuộc bàn thảo về thời điểm chuyển giao sẽ tiếp tục và có tính đến sự chuyển biến của tình hình bán đảo Triều Tiên.
Thanh Tùng
Theo AFP