1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ giúp hồi sinh "vua pháo" M777 sau thành công ở Ukraine

Quốc Đạt

(Dân trí) - Mỹ sẽ giúp khôi phục dây chuyền sản xuất lựu pháo xe kéo M777 sau khi hiệu quả của loại vũ khí này được chứng minh trên chiến trường Ukraine, thúc đẩy nhu cầu mua mới, theo Wall Street Journal.

Mỹ giúp hồi sinh vua pháo M777 sau thành công ở Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa lựu pháo M777 (Ảnh: AFP).

Wall Street Journal ngày 4/1 dẫn lời công ty quốc phòng BAE Systems của Anh cho biết họ sẽ tái khởi động dây chuyền sản xuất các bộ phận M777 cho Lục quân Mỹ.

Theo một nguồn thạo tin, các bộ phận mới được sản xuất sẽ được dùng để sửa chữa pháo M777 trong kho của Ukraine. Ngoài ra, khi dây chuyền sản xuất đã được hồi sinh, BAE dự kiến đón nhận các hợp đồng mua pháo nguyên chiếc.

Có khoảng 8 quốc gia đã đề nghị mua M777 kể từ khi bùng nổ chiến sự Ukraine vào tháng 2/2022, BAE cho biết.

Dù vậy, việc khởi động lại dây chuyền sản xuất vũ khí cần có thời gian. BAE cho biết những khẩu M777 mới sẽ được bàn giao vào năm 2025 do cần tìm kiếm nhà cung cấp titan khác.

Việc Anh khôi phục sản xuất M777 cho thấy chiến sự ở Ukraine đang góp phần tái định hình ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu như thế nào. Nó cũng cho thấy mức độ tiêu hao của trang bị do phương Tây viện trợ, trong đó có một số loại không còn được sản xuất, sau gần 2 năm giao tranh tại Ukraine.

Phương Tây đã giao cho Kiev nhiều loại pháo tự hành cơ động hơn nhưng lựu pháo xe kéo M777 vẫn giành được thiện cảm của binh sĩ Ukraine vì ít hỏng hóc hơn, cũng như dễ sử dụng và sửa chữa.

"Những loại vũ khí được nhắc đến nhiều và được tin cậy cao trong một cuộc xung đột thường thúc đẩy doanh số xuất khẩu", Mark Cancian, cố vấn của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đồng thời là cựu sĩ quan pháo binh của Thủy quân lục chiến Mỹ, cho biết.

Ông Cancian cũng lưu ý rằng dây chuyền sản xuất vũ khí rất hiếm khi được khởi động lại sau khi chúng ngừng hoạt động.

Tên lửa phòng không Starstreak của Anh cũng đang được khôi phục sản xuất sau thời gian triển khai ở Ukraine. Trong khi đó, Rheinmetall của Đức đang xem xét khôi phục cơ sở có liên quan sản xuất đạn dược sau khi nhu cầu đạn pháo của Ukraine tăng vọt.

M777 là loại pháo bắn trực diện có tầm xa nhất trong biên chế quân đội Mỹ, với tầm bắn lên tới 30km khi sử dụng đạn tăng tầm phản lực, xa hơn 5km so với pháo tự hành 2S19 Msta-S, hệ thống pháo phổ biến nhất mà Nga triển khai tại Ukraine.

M777 có thể bắn xa hơn (tới 40km) và chính xác hơn nếu sử dụng các loại đạn có điều khiển như Excalibur với cơ chế dẫn đường bằng vệ tinh GPS.

Ukraine đã nhận ít nhất 170 khẩu M777 từ Mỹ, Australia và Canada. Nhưng khoảng 77 khẩu đã bị hư hỏng hoặc phá hủy, theo Oryx, nhóm phân tích độc lập chuyên về tình báo nguồn mở.

Theo Wall Street Journal