1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ giảm cường độ tấn công Libya, chia rẽ xuất hiện trong liên minh

(Dân trí) - Mỹ hôm qua thông báo chiến dịch oanh tạc Libya sẽ giảm bớt cường độ, trong khi các chia rẽ đã bắt đầu lộ diện giữa các nước châu Âu về vấn đề chỉ huy chiến dịch quân sự Libya.

 
Mỹ giảm cường độ tấn công Libya, chia rẽ xuất hiện trong liên minh - 1
Máy bay tiêm kích của Mỹ tối 21/3 đã bị rơi ở Libya.

Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố các cuộc oanh tạc vào Libya sẽ giảm bớt cường độ trong những ngày tới với lý do là đến lúc đó, liên quân đã tiêu diệt hoàn toàn hệ thống phòng không của Libya.

Đêm trước đó, liên quân đã tiếp tục oanh kích vào Libya. Người ta nghe thấy nhiều tiếng súng phòng không, tiếp theo sau là nhiều tiếng nổ ở khu vực gần tư dinh của Đại tá Gadhafi tại Tripoli. Một căn cứ hải quân của Libya cũng đã bị dội bom tối 21/3, nhưng cường độ và số lần oanh tạc đã giảm hơn so với đêm 19/3, tức là đêm oanh kích đầu tiên.

Trước đó, Tư lệnh Bộ chỉ huy của Mỹ phụ trách châu Phi cho biết máy bay chiến đấu của liên minh đã thực hiện thêm các vụ tuần phòng trên không phận Libya trong ngày, với 7 quốc gia tham gia vào chiến dịch cùng với Mỹ. Lên tiếng từ tổng hành dinh đặt tại nước Đức, tướng Carter Ham cho hay những quốc gia khác gồm Bỉ, Anh, Canada, Đan mạch, Pháp, Italia và Tây Ban Nha. Ông nói trọng tâm của chiến dịch giờ đây đã chuyển sang việc mở rộng khu vực cấm bay từ miền đông Libya sang tới Tripoli ở miền tây.

Một máy bay tiêm kích của Mỹ tối 21/3 đã bị rơi ở Libya khi đang thực hiện nhiệm vụ oanh tạc vào hệ thống phòng không của quân Gadhafi, nhưng hai phi công đã tự phóng ra khỏi máy bay, một người đã được tìm thấy và quân đội Mỹ hiện đang tìm phi công thứ hai. Nguyên nhân của tai nạn, theo phát ngôn viên của bộ chỉ huy Mỹ ở Stuttgart- Đức, là do máy bay trục trặc kỹ thuật, chứ không phải bị bắn rơi.

NATO thì đã đồng ý thi hành một lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya. Tổng Thư Ký Anders Fogh Rasmussen hôm qua nói liên minh đang điều động tàu chiến và máy bay tại Địa Trung Hải để đón chặn những tàu nghi ngờ chở vũ khí bất hợp pháp hay lính đánh thuê cho Libya. Ông Rasmussen cũng nói NATO đã hoàn tất kế hoạch giúp thực hiện vùng cấm bay được LHQ cho phép trên vùng trời Libya.

Về chiến sự trên bộ, quân của Gadhafi hôm qua đã tấn công vào thành phố Misrata, thành phố lớn thứ ba nằm cách Triopli 200 km về phía Đông. Nhưng trong khi đó, Bengazi vẫn nằm trong tay phe nổi dậy, sau khi họ đẩy lui các đợt tấn công của quân chính phủ.

Theo Cao ủy Tỵ nạn LHQ, các trận giao tranh đã khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa chạy sang miền đông lánh nạn. Tổ chức Chương trình Lương thực Thế giới đang gia tăng viện trợ lương thực đến vùng biên giới Libya để cứu trợ những người tỵ nạn chiến tranh đã vượt biên sang Ai Cập.

Bất đồng xuất hiện

Các chia rẽ đã bắt đầu lộ diện giữa các nước châu Âu về vấn đề có nên ủng hộ một liên minh do Mỹ lãnh đạo để thực hiện những vụ không kích và tấn công bằng tên lửa vào Libya để áp đặt vùng cấm bay hay không.

Trong lịch sử quân sự thế giới những thập kỷ gần đây, lần đầu tiên một liên quân quốc tế can thiệp quân sự mà không có bộ chỉ huy thống nhất. Chiến dịch của liên quân Pháp-Anh- Mỹ tại Libya không có một bộ chỉ huy duy nhất : mỗi nước sử dụng bộ tham mưu của riêng mình và chỉ có phối hợp với nhau mà thôi.

Trong động thái chứng tỏ có sự chia rẽ rõ ràng, Na Uy vừa thông báo tạm đình chỉ việc huy động chiến đấu cơ F-16 của nước này vào chiến dịch cho tới khi nào vấn đề chỉ huy được làm rõ. Còn tại Brussels, Ngoại trưởng Italia Franco Frattini còn nói là nếu NATO không được giao quyền chỉ huy chiến dịch ở Libya, Roma có thể sẽ không cho phép sử dụng các căn cứ của Italia nữa. Nhiều nước trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong những ngày qua đã yêu cầu để cho khối quân sự này thay thế liên quân quốc tế.

Tổng thống Barack Obama nói NATO sẽ đóng vai trò chính trong chiến dịch này. Tại Anh, Thủ tướng David Cameron hôm 21/3 cũng đã ủng hộ việc để cho NATO nắm quyền chỉ huy, nhưng London nêu lên khả năng là một sĩ quan Pháp, Anh hoặc Mỹ đứng đầu bộ chỉ huy. Nhưng nước Pháp thì vẫn dứt khoát không muốn NATO thay thế liên quân quốc tế, với lý do là: nếu NATO đứng ra chỉ huy chiến dịch can thiệp vào Libya, các nước Ảrập sẽ không tham gia và tệ hại hơn nữa, họ sẽ lên án chiến dịch này.

Các đại sứ NATO đã gặp nhau trong những ngày qua để thảo luận về việc ai nhận trách nhiệm về chiến dịch này vì Mỹ muốn trao quyền lãnh đạo trong vài ngày tới.

Theo một chuyên gia quân sự châu Âu, ít có khả năng là Paris, đã một mình mở các cuộc oanh tạc đầu tiên vào lúc 17h45 ngày 19/3, sẽ chỉ huy chiến dịch này, vì lịch sử gần đây cho thấy là Mỹ không bao giờ chấp nhận nằm dưới sự chỉ huy của một nước khác về mặt chiến lược. Hiện giờ, mọi việc còn tương đối đơn giản, do chủ yếu chỉ mới có ba nước Pháp, Anh, Mỹ tham gia thực hiện nghị quyết LHQ về việc thiết lập vùng cấm bay Libya. Nhưng sắp tới đây, nhiều quốc gia khác sẽ tham gia chiến dịch, như Italia, Bỉ, Na Uy, Đan Mạch, Canada, Tây Ban Nha, Qatar..., việc phối hợp sẽ phức tạp hơn.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoli Serdioukov hôm qua kêu gọi ngưng bắn ngay lập tức ở Libya. Ấn Độ, qua lời Bộ trưởng Tài chính Pranab Mukherjee, đã lên án mọi sự can thiệp của nước ngoài vào Libya. Hội đồng Bảo an LHQ sẽ họp lại vào 24/3/11 để bàn về tình hình Libya.

Việt Hà
Tổng hợp