1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ đối đầu UNESCO: Sóng gió từ lâu

Chuyện Mỹ rút khỏi UNESCO không tác động nhiều đến hoạt động của tổ chức này nhưng mở cơ hội cho nhiều nước khác.

Mỹ ngày 12-10 thông báo sẽ chính thức rút khỏi Tổ chức Văn hóa-Khoa học-Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vào cuối năm 2018. Trong thông cáo của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ nói quyết định này nhằm phản đối UNESCO thành kiến với Israel. Dù tuyên bố rút tư cách thành viên, Mỹ vẫn thòng thêm ý định sẽ tìm kiếm tư cách “quan sát viên thường trực” tại UNESCO. Ngay sau tuyên bố của Mỹ, Israel cũng ra tuyên bố tương tự.

Không phải lần đầu

Israel tức giận vì UNESCO hồi tháng 7 công nhận thành cổ Hebron nằm trong khu vực Israel kiểm soát ở Bờ Tây là di sản thế giới của Palestine, chỉ trích UNESCO thành kiến với Israel. Bản thân Israel muốn UNESCO công nhận lịch sử Do Thái của mình là di sản thế giới.

Xung đột Israel-Palestine luôn là đề tài tranh cãi tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), đặc biệt tại UNESCO nơi sự ủng hộ Palestine những năm gần đây rất cao. Năm 2015, UNESCO từng chỉ trích Israel không cho người Hồi giáo tiếp cận đền Al Aqsa ở Jerusalem. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump từ khi nhậm chức luôn ủng hộ Israel. Bà Nikki Haley trong lần điều trần cho vị trí đại sứ Mỹ tại LHQ từng tuyên bố sẽ chiến đấu với “lịch sử thành kiến với Israel của LHQ”.

Quyết định rút khỏi UNESCO của Mỹ một lần nữa gợi lại quan hệ lâu nay vốn không êm đềm giữa Mỹ với tổ chức này. Năm 1983, chính phủ Tổng thống Ronald Reagan cũng từng rút khỏi UNESCO vì cho rằng tổ chức này chính trị hóa, ngả về phía Liên Xô. Đến năm 2002, chính phủ Tổng thống George W. Bush đưa nước Mỹ trở lại, tranh thủ ủng hộ từ cộng đồng thế giới cho cuộc chiến ở Iraq.


Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút nước này khỏi UNESCO để phản đối các “thành kiến với Israel”. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút nước này khỏi UNESCO để phản đối các “thành kiến với Israel”. Ảnh: REUTERS

Cơ hội cho Trung Quốc

Mỹ cũng có hẳn đạo luật quyết cắt tiền cho bất kỳ tổ chức nào của LHQ chấp nhận tư cách thành viên và trao quyền bỏ phiếu cho Palestine. Mãi đến nay Đại hội đồng LHQ vẫn chưa dám chấp nhận Palestine là thành viên mà chỉ trao tư cách quan sát viên. Năm 2011, sau khi UNESCO chấp nhận tư cách thành viên của Palestine, chính phủ Barack Obama cắt tài trợ cho UNESCO. Năm 2013, UNESCO phản ứng bằng cách hủy quyền bỏ phiếu của Mỹ. Từ đó đến nay, dù không còn quyền bỏ phiếu nhưng Mỹ vẫn duy trì tồn tại ở UNESCO và tích cực vận động sau hậu trường.

Với thực tế Mỹ không còn hỗ trợ tiền hay còn quyền bỏ phiếu ở UNESCO, bước đi rời khỏi UNESCO của Mỹ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động tổ chức này. Trong khi đó chuyện Mỹ ra đi có thể sẽ giúp tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong UNESCO. Thời gian qua Trung Quốc vận động rất tích cực cho các di sản của mình. Hiện Trung Quốc chỉ đứng sau Ý về số di sản thế giới được UNESCO công nhận (52) và đang nỗ lực vươn lên vị trí thứ nhất. Mỹ có 10 di sản văn hóa, 12 di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận.

Sau khi Mỹ, Israel ra đi, Trung Quốc cũng rút tranh cử vị trí tổng giám đốc UNESCO, chuyển sang ủng hộ ứng viên Ai Cập, theo Thời Báo Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP).

Ông Đường Kiền, trợ lý tổng giám đốc UNESCO từ tháng 4-2010, quyết định rút tranh cử sau vòng bỏ phiếu thứ ba ngày 12-10, dồn phiếu ủng hộ cho ứng viên Ai Cập - nhà ngoại giao, nguyên Bộ trưởng Gia đình và Dân số nước này là bà Moushira Khattab.

_____________________________

70 triệu USD, tương đương 1/5 ngân sách UNESCO là con số đóng góp của Mỹ cho tổ chức này mỗi năm trước khi cắt hỗ trợ từ năm 2011 vì vấn đề Palestine. Tổng cộng trước nay Mỹ đã đóng góp cho UNESCO 600 triệu USD.

Theo Thiên Ân

Pháp luật TP. HCM