Mỹ đối đầu thế giới: Ai thắng?
Thương mại thế giới đang ở thời điểm cực kỳ căng thẳng khi Mỹ gây chiến thương mại với hàng loạt nước Liên minh châu Âu (EU), Bắc Mỹ (Canada, Mexico) và cả Trung Quốc.
Sau ba tháng trì hoãn, chính phủ Trump ngày 1-6 chính thức áp mức thuế 25% - mức tối đa trong quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - lên nhôm và thép nhập từ EU, Canada, Mexico. Ngay khi có quyết định từ Mỹ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố sẽ kiện Mỹ lên WTO và có các biện pháp đối phó.
Các cuộc đàm phán phút cuối với Mỹ đã không có đường ra. Theo Cao ủy thương mại EU Cecilia Malmström thì để Mỹ không tăng thuế nhập khẩu lên nhôm, thép của mình, châu Âu muốn giảm thuế nhập khẩu lên ô tô Mỹ và hợp tác hơn với Mỹ nhưng Mỹ vẫn không ưng. Dễ hiểu vì mục tiêu của Mỹ là vừa được giảm thuế nhập khẩu ô tô vào EU và EU phải giảm xuất khẩu thép sang mình.
Nội bộ EU tranh cãi
Theo bà Malmström, các bước đi của Mỹ “đơn thuần là bảo hộ” và “trái luật” chiếu theo các quy định WTO, rằng EU phải cứng rắn để bảo vệ các nguyên tắc thương mại toàn cầu. Theo bà, EU không còn cách nào phải áp thuế nhập khẩu lên hàng Mỹ, trong đó có rượu whisky và mô tô.
Dù phía EU nói cứng thế nhưng nhiều chuyên gia thương mại cho rằng châu Âu rồi sẽ phải nhượng bộ, mở cửa thêm thị trường với hàng Mỹ để ông Trump nghĩ lại chuyện tăng thuế với mình. Theo nhà kinh tế trưởng Kjersti Haugland tại Ngân hàng đầu tư DNB Markets (Na Uy), Mỹ mạnh hơn EU nhiều, EU không đủ mạnh để đối đầu Mỹ. Bản thân châu Âu cũng không muốn vi phạm các quy định của WTO khi tăng thuế lên Mỹ, tương tự như Mỹ làm với mình.
Theo các chuyên gia, trong khối EU thì Pháp là nước chủ trương đối đầu Mỹ nhất. Trong khi đó Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - sẽ không muốn leo thang căng thẳng với Mỹ, không muốn việc trả đũa qua lại ảnh hưởng tiêu cực đến đà xuất khẩu ô tô và hàng công nghiệp của mình sang Mỹ.
Theo nguồn tin của New York Times thì gặp những người đồng cấp châu Âu tháng trước, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đề nghị châu Âu tránh leo thang tăng thuế nhập khẩu với Mỹ, thay vào đó nên giảm hạn ngạch xuất thép sang Mỹ. Ủy ban châu Âu không đồng tình đề xuất của Đức, rằng xung đột với Mỹ không còn giới hạn ở hạn ngạch ô tô hay thép mà đã trở thành đe dọa với các quy định thương mại toàn cầu.
Theo một số nguồn tin ngoại giao EU, có khả năng EU sẽ tăng hạn ngạch mua chất lỏng khí tự nhiên từ Mỹ, ủng hộ Mỹ vận động thay đổi các quy định của hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại tại WTO - một mục tiêu lâu nay của Mỹ.
Diễn biến này có thể sẽ phá vỡ sự đồng lòng về lợi ích của tự do thương mại đã tồn tại hàng thập niên nay. Chưa biết tương lai Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) sẽ ra sao với việc thép, nhôm Canada, Mexico bị Mỹ áp thuế nhập khẩu 25%. NAFTA vốn bị ông Trump chỉ trích có hại cho kinh tế Mỹ. Mỹ, Canada, Mexico nhiều tháng nay vẫn thương lượng chỉnh sửa NAFTA theo yêu cầu của ông Trump. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 5-6 cho biết ông Trump có thể sẽ bàn riêng với từng nước Canada và Mexico nhằm đạt được các thỏa thuận thương mại riêng với từng nước. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một quan chức Canada bác bỏ viễn cảnh này, khẳng định nước này không có ý định thay đổi thỏa thuận ba bên NAFTA.
Trung Quốc vừa đấm vừa xoa
Tuần trước chính phủ Trump nói muốn đánh thuế nhập khẩu 25% lên lượng hàng Trung Quốc trị giá 50 tỉ USD vào giữa tháng này nếu hai bên không đạt được thỏa thuận giải quyết khoản thiếu hụt thương mại 375 tỉ USD của Trung Quốc với Mỹ. Trong cuộc đối thoại cuối tuần rồi tại Bắc Kinh, Trung Quốc nói cứng sẽ không mua thêm hàng Mỹ và mọi kết quả từ các cuộc đàm phán thương mại trước đây giữa hai bên sẽ vô hiệu nếu Mỹ áp mức thuế này.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Wall Street Journal, trong cuộc đàm phán cuối tuần rồi tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã đề xuất với Mỹ một danh sách hàng mà Trung Quốc định tăng nhập từ Mỹ với tổng giá trị gần 70 tỉ USD nếu Mỹ bỏ ý định tăng thuế nhập khẩu lên hàng mình. Các mặt hàng chủ yếu là đậu nành, bắp, khí đốt, than, dầu thô, sản phẩm công nghiệp. Chưa có thông tin phản ứng từ Mỹ.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích cấp cao Chad Bown tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) thì đề xuất này không đủ sức giải quyết các lo ngại của Mỹ với Trung Quốc. Đó là việc Trung Quốc bảo hộ các công ty trong nước, hạn chế đầu tư với các công ty nước ngoài, buộc các công ty Mỹ phải chia sẻ công nghệ nếu muốn làm ăn tại Trung Quốc, về bảo vệ tài sản trí tuệ, về chính sách công nghiệp.
Trong báo cáo về viễn cảnh kinh tế toàn cầu mới nhất công bố ngày 5-6, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo các căng thẳng thương mại hiện tại giữa Mỹ với EU, Canada, Mexico, Trung Quốc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng lên thương mại và tăng trưởng toàn cầu với mức độ không thua cuộc khủng hoảng năm 2008. Mà bộ phận chịu ảnh hưởng nặng nhất là các nước đang phát triển. Lý do lợi ích các nước này thường gắn liền với sức mạnh của các nền kinh tế chính. Theo tác giả báo cáo Franziska Ohnsorge, 1% sụt giảm tăng trưởng ở Mỹ, Trung Quốc hay các nước khu vực đồng euro có thể sẽ khiến các nước đang phát triển giảm 1,1% trong một đến hai năm. Nghiêm trọng hơn, WB cảnh báo tác động có thể sẽ lớn hơn năm 2008 nếu các nước không tuân thủ các quy định của WTO.
9% giao dịch thương mại toàn cầu có thể sẽ bị giảm do các căng thẳng thương mại gần đây giữa Mỹ và EU, Canada, Mexico, Trung Quốc, WB dự đoán trong báo cáo về viễn cảnh kinh tế toàn cầu mới nhất công bố ngày 5-6.