1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ điều các tàu sân bay chủ lực tập trận, gửi thông điệp tới Nga, Trung Quốc

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định việc Mỹ điều nhóm tác chiến tàu sân bay chủ lực tới tập trận tại các vùng biển quan trọng dường như gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc và Nga.

Hai tàu sân bay USS Abraham Lincoln và USS Harry S. Truman của Mỹ (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Hai tàu sân bay USS Abraham Lincoln và USS Harry S. Truman của Mỹ (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Business Insider dẫn nguồn tin từ hải quân Mỹ cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Regan đã cùng với đội tàu hộ tống tấn công số 4 của lực lượng phòng vệ Nhật Bản tập trận chung trên Biển Đông vào ngày 31/8 vừa qua.

Nhật Bản đã điều tàu sân bay trực thăng Kaga dẫn đầu đội tàu khu trục tên lửa dẫn đường tới huấn luyện với Mỹ. Cuộc tập trận này nhằm nhấn mạnh một lần nữa tầm nhìn “Ấn Độ-Thái Bình Dương mở cửa và tự do” của Mỹ và Nhật Bản. Đây là chiến lược then chốt của Washington nhằm ngăn chặn tham vọng bành trướng Biển Đông của Trung Quốc thông qua các hoạt động bồi đắp và quân sự hóa phi pháp các đảo đá trong khu vực.

Theo các chuyên gia, ngoài việc nâng cao khả năng tác chiến kết hợp giữa 2 lực lượng hải quân, Washington gửi thông điệp rõ ràng với Bắc Kinh rằng họ sẽ không đứng ngoài cuộc trong vấn đề Biển Đông, và nếu xảy ra đối đầu, họ sẽ không đơn độc. Ngoài Nhật Bản, trong thời gian qua Mỹ đã tăng cường hoạt động nâng cao quan hệ, hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực như Australia, Ấn Độ…

Ngoài ra, Mỹ ngày 28/8 cũng đã đưa máy bay chiến đấu F-35C lần đầu tập trận “song kiếm hợp bích” với máy bay F/A-18E/F Super Hornet trên một tàu sân bay, động thái cho thấy nỗ lực của Washington trong việc biến các nhóm tác chiến tàu sân bay trở nên uy lực và hiện đại hơn.

Máy bay F-35C của Mỹ (Ảnh: Lockheed Martin)
Máy bay F-35C của Mỹ (Ảnh: Lockheed Martin)

Trong khi đó, ở vùng biển gần Nga, các tàu USS Abraham Lincoln và USS Harry S. Truman cũng thực hiện các cuộc tập trận gửi thông điệp tới Nga.

Hồi cuối tháng trước, Mỹ đã chính thức thành lập lại Hạm đội 2 tập trung vào khu vực Bắc Đại Tây Dương, Địa Trung Hải, nơi quân đội Nga đang hoạt động với tần suất ngày càng dày đặc và chưa từng có từ thời Chiến tranh Lạnh.

Theo các chuyên gia, Nga trong bối cảnh hiện tại chỉ có 1 tàu sân bay đã cũ, dường như yếu thế hơn nếu đối đầu với đội tàu “khủng” của Mỹ. Tuy nhiên, đội tàu ngầm của Moscow có sức mạnh đáng gờm và chỉ riêng trong năm 2017, đội tàu này đã thực hiện 3.000 giờ tuần tra tại khu vực, một con số khiến Mỹ lo ngại.

Mỹ gần đây đã thay đổi lại lịch trình triển khai hoạt động của các tàu sân bay nhằm tăng cường hiện diện để gây áp lực lên Nga và Trung Quốc. Tài liệu về chiến lược quốc phòng mới của Mỹ cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ với các đối thủ của nước này.

“Chúng tôi có nền hải quân mạnh nhất thế giới và trong môi trường đầy cạnh tranh và phức tạp như hiện tại, chúng tôi không thể ngồi yên một chỗ hay để mặc cho mọi chuyện tự xảy ra”, chuẩn Đô đốc John Wade, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln, cho biết.

Business Insider cho rằng các động thái gần đây, nhất là việc Mỹ đưa F-35C lên tập trận trên tàu sân bay, cho thấy họ gửi thông điệp rõ ràng tới các đối thủ rằng Hải quân Mỹ đã quay trở lại và ngày càng mạnh mẽ hơn.

Đức Hoàng

Theo Business Insider

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm