1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ dè chừng Trung Quốc "vượt mặt" về vũ khí hạt nhân

Thanh Thành

(Dân trí) - Giới chuyên gia Mỹ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng tái vũ trang hạt nhân của Trung Quốc cũng như năng lực phản công của Bắc Kinh nếu bị tấn công hạt nhân trước.

Mỹ dè chừng Trung Quốc vượt mặt về vũ khí hạt nhân - 1

Mỹ hiện vẫn là cường quốc về vũ khí hạt nhân (Ảnh minh họa: Hải quân Mỹ).

Theo Asia Times, có một thực tế là, dường như nhiều quan chức Mỹ đều có cảm giác, cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới đang ở ngay ngưỡng cửa. Trong những ngày gần đây, hai nhà báo nổi tiếng ở Mỹ là David Ignatius và Fred Kaplan đã có những bài viết về quá trình tái vũ trang hạt nhân và tên lửa đang diễn ra ở Trung Quốc.

Theo các nhà hoạch định chính sách, vấn đề ở đây là Trung Quốc đã có được năng lực phản công. Đây là một điểm cơ bản của chiến lược cân bằng trong bàn cờ hạt nhân. Năng lực đáp trả sau cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên có nghĩa là ngay cả khi bị đối phương tấn công trước, quốc gia bị tấn công vẫn có được khả năng phản công. Cho đến nay, chỉ có Mỹ và Nga mới chính thức có được năng lực như vậy.

Nếu Trung Quốc đã có được năng lực này hoặc sắp có được, các động lực quân sự và chính trị toàn cầu sẽ thay đổi. Theo các nguồn tin, trên đường phố Trung Quốc trong thời gian qua thường xuyên xuất hiện đội quân xe tải chở tên lửa đạn đạo được giấu kín có khả năng hoạt động trong thời gian ngắn.

Mỹ và Nga đã xây dựng kho vũ khí hạt nhân trong nhiều năm, đồng thời xác định các quy tắc thỏa thuận chính trị và quân sự ngày càng rõ ràng trong khoảng thời gian dài.

Tuy nhiên, hiện nay, khi Mỹ và Trung Quốc đều được cho là đang sở hữu kho vũ khí rất mạnh, họ vẫn không thể tìm được tiếng nói chung như vậy. Vì vậy, có nguy cơ xảy ra tai nạn và sai sót.

Các chuyên gia đưa ra ví dụ: hãy xem đâu là giới hạn thực sự và không thể vượt qua trong vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), Biển Đông hay Senkaku/Điếu Ngư? Tất nhiên, không ai thực sự biết trước được. Nhưng câu hỏi này làm hồi tưởng về bức tranh ở châu Âu thời kỳ 1945-1948 khi Mỹ, Anh và Pháp liên kết chống lại Liên Xô. Tuy nhiên, lúc đó chỉ có Mỹ có bom hạt nhân và thế giới vừa thoát khỏi một cuộc chiến tranh vì vậy không ai muốn lao vào một cuộc khác, vốn có thể sẽ tàn khốc hơn.

Vì vậy, ngày nay nhất cử nhất động của các bên trong cuộc đua này cần được theo sát đầy cẩn trọng khi tất cả đều có kho vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, có những câu hỏi về việc liệu Mỹ sẽ làm gì để đáp trả năng lực mới này của Trung Quốc. Và còn đó là những câu hỏi về phản ứng của Triều Tiên - một quốc gia láng giềng của Trung Quốc và cũng có vũ khí hạt nhân.

Tranh cãi bùng nổ gay gắt ở Mỹ. Hầu hết nhiều ý kiến như chuyên gia Chris Nelson cho rằng, Mỹ nên ngừng tái vũ trang hạt nhân hạt nhân. Trên thực tế, năng lực quân sự của Mỹ ngày nay lớn hơn nhiều so với Trung Quốc và việc tái vũ trang hạt nhân là không cần thiết vì nó sẽ làm chuyển hướng nguồn lực ra khỏi kế hoạch hiện tại của Washington: khởi động lại cơ sở hạ tầng và các nhà máy sản xuất.

Mỹ hiện vẫn là cường quốc về vũ khí hạt nhân. Để duy trì ưu thế này, Mỹ vẫn đang tiếp tục đầu tư nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí hạt nhân tiên tiến có độ an toàn cao, dễ dàng bảo quản và sử dụng. Tuy nhiên, mới đây hãng tin CNN dẫn lời Đô đốc Charles Richard, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, cơ quan giám sát kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, cảnh báo Trung Quốc và Nga đang hiện đại hóa vũ khí hạt nhân và khả năng tấn công bằng loại vũ khí này nhanh hơn Mỹ.

Hiện nay, Nga và Mỹ bị giới hạn khoảng 1.550 đầu đạn hạt nhân theo hiệp ước START mới được hai bên ký kết. Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Trung Quốc ước tính có khoảng 320 đầu đạn hạt nhân.