1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ đả Gấu, đấu Rồng

(Dân trí) - Nước Mỹ đang phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khi cùng lúc làm mất lòng cả hai cường quốc lớn là Nga và Trung Quốc. Xích mích trong quan hệ song phương giữa Mỹ với hai nước trên đã lên đến mức báo động trong nhiều năm qua, đe dọa ẩn họa khó lường.

Chính sách thiếu nhất quán của chính quyền Obama vô tình đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau.

Chính sách thiếu nhất quán của chính quyền Obama vô tình đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy quan hệ giữa Washington và Mátxcơva vốn đã lạnh nhạt nay càng trở nên băng giá hơn. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh năm 1991, đây là thời điểm quan hệ hai nước rơi xuống mức thấp nhất với những hành động trả đũa đặc trưng giữa hai cựu thù.

Trong khi đó, mối quan hệ của Washington với Bắc Kinh cũng đang ngày càng trở nên căng thẳng với một lô bất đồng nảy sinh trong nhiều vấn đề. Điều này được khắc họa rõ nét trong các hoạt động của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương thời gian qua, cũng như trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và thông điệp bao trùm trước thềm chuyến công du châu Á tới đây của Tổng thống Barack Obama. Bắc Kinh đang tỏ ra giận dữ với lập trường của Mỹ trong nhiều vấn đề, đặc biệt là những tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông.

Sự xuống cấp đồng thời trong quan hệ với cả Nga và Trung Quốc đang tạo quan ngại lớn trong chính giới Mỹ. Nhiều người cho rằng chính quyền của Tổng thống Obama đang vi phạm lời khuyên địa chiến lược cơ bản mà cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger đã đưa ra ngay sau khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Ông nói: “Quan hệ của chúng ta với hai đối thủ tiềm tàng này (Trung Quốc và Nga) nên được duy trì ở trạng thái mà các lựa chọn của chúng ta đưa ra với hai nước luôn lớn hơn lựa chọn của họ với nhau”. Nói cách khác, Washington cần thực hiện các bước đi nhằm đảm bảo quan hệ với Bắc Kinh và Mátxcơva luôn gần gũi hơn so với mối quan hệ giữa hai nước.

Nhưng đáng tiếc, những tác động ngoại cảnh và chính sách ngoại giao vụng về của chính quyền Obama trong 5 năm qua đang tạo nguy cơ đẩy “gấu Nga” và “rồng Trung Quốc” xích lại gần nhau, cho dù khi mới nhậm chức đầu năm 2009, vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đã cam kết thực hiện khúc dạo đầu mới với các cường quốc đang nổi của thế giới, cũng như với thế giới Hồi giáo.

Cụ thể trong quan hệ với Nga, không lâu sau khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên, ông Obama đã kêu gọi "cài đặt lại" quan hệ với quốc gia cựu thù trong thời Chiến tranh Lạnh . Sự khởi động này đã được Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev ủng hộ tích cực, nhưng chưa kịp nồng ấm thì ông Vladimir Putin quay lại phủ Tổng thống. Lại thêm một lần cài đặt cho quan hệ Mỹ - Nga nhưng lần này mọi việc không đi theo những toan tính của Washington.

Là một cựu nhân viên tình báo KGB và là người ngay thẳng, quyết đoán, Tổng thống Putin không thể chấp nhận cách hành xử “vượt mặt” của chính quyền Obama trong các vấn đề quốc tế lớn, đặc biệt khi lại có liên quan trực tiếp đến các lợi ích cốt lõi của Nga. Cuộc tấn công Lybia, xung đột tại Syria và gần đây nhất là cuộc khủng hoảng Ukraine khiến điện Kremlin không thể không “rắn mặt”. Nước Nga không thể đứng nhìn các đồng minh cuối cùng ở Trung Đông và số ít quốc gia còn lại trong vành đai ảnh hưởng của mình liên tục bị phương Tây tìm cách dẹp bỏ hay thâu tóm. Cũng vì lẽ đó, quan hệ Nga - Mỹ đã rơi xuống điểm đáy trong nấc thang quan hệ song phương kể từ khi Liên Xô tan rã.

Với Trung Quốc, hành trình quan hệ của Mỹ với nước này cũng đang ngày càng đi chệch trọng tâm. Trong hai năm đầu cầm quyền, ông Obama đã thực hiện chuyến công du nhiều kỳ vọng tới Trung Quốc nhằm khích lệ Bắc Kinh đóng vai trò đối tác toàn cầu trong các vấn đề lớn thế giới.

Tuy nhiên, trong lúc Trung Quốc còn chưa sẵn sàng và chưa có đủ năng lực gánh vác trọng trách, chính quyền Obama lại đột ngột khởi xướng chính sách xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương nhằm cùng cố liên minh quân sự với các nước trong khu vực và kiềm chế sự nổi lên gây tranh cãi của Trung Quốc. Đương nhiên, Bắc Kinh cũng hiểu ngay mưu toan này của Mỹ và vì thế, quan hệ song phương ngày càng lao dốc.

Vậy là với những chính sách đối ngoại của mình, chính quyền Obama đã vô tình đối đầu với cả Nga và Trung Quốc, tạo cớ cho hai nước này tạm thời gác lại những bất đồng trong quan hệ song phương (như tranh chấp biên giới, cạnh tranh chính trị và kinh tế ở Trung Á) để cùng nhau đối phó với những lo ngại cấp bách hơn từ Mỹ.

Trong bối cảnh đó, điều lý tưởng nhất đối với Mỹ hiện nay là phải tìm cách khắc phục sai lầm. Mỹ cần xác định đúng đối thủ thực sự của mình và không nên đối kháng với cả hai nước, không nên đảo ngược sự chia rẽ giữa Mátxcơva và Bắc Kinh bằng một mối quan hệ liên minh Gấu-Rồng vốn sẽ tạo nên cơn ác mộng địa chính trị với Mỹ trong thế kỷ 21.  

Đức Vũ