Mỹ có thể hợp tác với châu Âu đối phó Trung Quốc dưới thời Biden
(Dân trí) - Một nhóm các học giả, cựu quan chức và cố vấn đã kêu gọi chính quyền Mỹ hợp tác với châu Âu để đối phó Trung Quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Trong báo cáo có tiêu đề "Lộ trình hợp tác Mỹ - châu Âu về Trung Quốc" do Trung tâm Paul Tsai China thuộc Trường Luật Yale công bố hôm 17/2, các chuyên gia cho rằng cần có những bước đi được xem là "ưu tiên cấp bách" trong 6 lĩnh vực then chốt gồm: thương mại, công nghệ, nhân quyền, khí hậu, dịch bệnh và cải cách các thể chế quốc tế.
Các tác giả của báo cáo, gồm Paul Gewirtz, Ryan Hass, Susan Thornton, Robert Williams, Craig Allen và David Dollar, đều là những chuyên gia về Trung Quốc.
Theo các học giả, cố vấn và cựu quan chức Mỹ, sự ngờ vực và những khó khăn trong mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cản trở hợp tác xuyên Đại Tây Dương, đồng thời thúc đẩy EU xúc tiến một thỏa thuận đầu tư với Bắc Kinh, bất chấp việc Washington đề nghị EU chờ cho tới khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Báo cáo nhận định 6 lĩnh vực được đề xuất hợp tác là những lĩnh vực mà Mỹ và châu Âu có đồng quan điểm nhất. Đây cũng là những lĩnh vực mà nếu Mỹ và châu Âu cùng nhau tiếp cận hoặc hành động thì sẽ ngăn chặn được những hành vi xấu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng kêu gọi Mỹ và châu Âu cần có cách tiếp cận cẩn trọng trong vấn đề Trung Quốc.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã đề cập tới việc đối phó với một Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ. Ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng các liên minh xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ hơn với EU, đồng thời cho rằng cần buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho hành vi lạm dụng của họ về thương mại, công nghệ và các mặt trận khác.
Trong khi đó, Trung Quốc phản đối những nỗ lực của Mỹ trong việc kết nối lại với các đồng minh nhằm kiềm chế Bắc Kinh. Trung Quốc chỉ trích việc Tổng thống Biden dự định bàn về các "thách thức từ Trung Quốc" tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào ngày 19/2.
Châu Âu cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc
Châu Âu đã xác định Trung Quốc là đối tác để hợp tác và đàm phán, nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh về kinh tế. Giới quan sát nhận định EU vẫn muốn tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc và đã hoàn tất các cuộc đàm phán Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện với Bắc Kinh vào tháng 12 năm ngoái, bất chấp cảnh báo của Mỹ.
"Các nhà lãnh đạo ở cả hai đảng Mỹ và trong chính quyền Mỹ đều cảm thấy khó hiểu và bất ngờ khi biết EU đang xúc tiến một hiệp định đầu tư mới (với Trung Quốc) ngay trước khi chính quyền mới nhận nhiệm sở", Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Matthew Pottinger cho biết hồi tháng 12 năm ngoái.
Ủy ban châu Âu được cho là đang soạn thảo đề xuất chi tiết với Mỹ nhằm xây dựng một liên minh toàn cầu mới thời kỳ hậu chính quyền Tổng thống Donald Trump để đối phó với các thách thức chiến lược từ Trung Quốc. Đề xuất của EU đặt mục tiêu "hồi sinh" quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, đồng thời đưa ra các đề xuất hợp tác mới trong mọi lĩnh vực.
Báo cáo của các chuyên gia cũng xác định rằng thương mại vẫn là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ Trung Quốc - EU, và Mỹ nên đề xuất với châu Âu về việc cùng nhau giám sát quá trình thực hiện các cam kết của Bắc Kinh trong vấn đề minh bạch hóa trợ cấp doanh nghiệp, bảo vệ tài sản trí tuệ và mở cửa thị trường.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng Mỹ và EU nên phát triển một khuôn khổ chung về thương mại điện tử và mua sắm chính phủ, cùng với đó là cơ chế phối hợp rà soát đầu tư, bao gồm chia sẻ thông tin tình báo thông qua cuộc họp trực tuyến hàng tháng.
Các chuyên gia cũng kêu gọi Mỹ và EU thiết lập "các tiêu chuẩn chung" để đối phó với hành vi cưỡng ép kinh tế phi thị trường hoặc hành động trả đũa của Trung Quốc. Báo cáo cho rằng Anh cũng nên tham gia vào nỗ lực chung để đối phó Trung Quốc, dù nước này không còn là một phần của EU.
Một lĩnh vực tiềm năng khác mà Mỹ và EU có thể hợp tác là xây dựng những tiêu chuẩn và quy tắc chung về công nghệ. Mỹ đã gây sức ép với các đồng minh về việc cấm Huawei, tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc, và các công ty viễn thông khác của Trung Quốc tham gia mạng lưới viễn thông của các nước này vì lo ngại về nguy cơ an ninh. Mặc dù EU vẫn chưa áp lệnh cấm với toàn khối, song một số nước thành viên như Ba Lan, Bồ Đào Nha và Italy đã cấm hoặc hạn chế Huawei.
Nhóm chuyên gia cũng hối thúc Mỹ và EU triển khai các chính sách chung nhằm thực thi các quy tắc về an ninh chuỗi cung ứng cũng như mạng lưới 5G và 6G, đồng thời thực hiện các tiêu chuẩn nhằm chống lại hành vi đánh cắp bí mật thương mại thông qua chia sẻ thông tin tình báo. Các chuyên gia cũng kêu gọi Mỹ và EU hợp tác trong việc kiểm soát hoạt động xuất khẩu các công nghệ chiến lược như chất bán dẫn hay thiết bị giám sát.
Mỹ và EU có chung nhiều mối lo ngại về việc thiếu "sân chơi" công bằng tại Trung Quốc cho các doanh nghiệp nước ngoài, việc cưỡng ép chuyển giao công nghệ và đánh cắp tài sản trí tuệ, sự liên kết giữa quân sự - dân sự và nỗ lực của Bắc Kinh trong việc định hình lại các quy chuẩn và chuẩn mực toàn cầu theo hướng gây bất lợi cho các lợi ích của Mỹ và EU.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng đề xuất những lĩnh vực mà Mỹ có thể hợp tác với Trung Quốc như công nghệ xanh, phân phối vắc xin ngừa Covid-19 và cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Nhìn chung các tổ chức và các nước thành viên EU ngày càng cảnh giác với Trung Quốc, đặc biệt là chính sách ngoại giao cứng rắn của Bắc Kinh trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, song vẫn có một số nước tách khỏi xu hướng này. Một số quốc gia thành viên EU, như Hungary, vẫn xây dựng mối quan hệ riêng mạnh mẽ với Trung Quốc, trong khi cơ chế hợp tác "17+1" do Trung Quốc sáng lập với các nước Đông và Trung Âu đã có sự tham gia của 12 nước thành viên EU.