1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ có nguy cơ mất một đồng minh chiến lược?

(Dân trí) - Mỹ đang ngày một lo lắng về quan hệ đối tác chiến lược của nước này với Pakistan, đồng minh chủ chốt trong cuộc chiến chống khủng bố, khi quyền lực của Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf bị lung lay do cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 8 năm cầm quyền.

Những lo ngại về việc ông Musharraf chưa hết mình trong việc truy quét các tàn binh Taliban khỏi nước này đã nhường chỗ cho những lo ngại về chiếc ghế của ông khi Musharraf sa thải Tổng chưởng lý Iftikhar Chaudhry vào đầu tháng 3 vừa qua, giáng một đòn vào những hy vọng về một tiến trình dân chủ tại quốc gia Nam Á này. 

Sự việc đã đã dẫn đến vụ hàng nghìn luật sư Pakistan xuống đường biểu tình trên toàn quốc và đụng độ với cảnh sát vũ trang, khiến 40 luật sư và 15 cảnh sát bị thương.

Giới phân tích cho rằng ông Musharraf đang theo đuổi một kế hoạch mạo hiểm, vừa muốn giữ cương vị tổng thống thêm một nhiệm kỳ, vừa muốn tiến tục giữ chức tổng chỉ huy quân đội.

 

Do kế hoạch này có thể bị đưa ra phán xét tại tòa án, nên ông Musharraf đã buộc phải ra tay trước để loại bỏ Tổng chưởng lý Chaudhry. 

 

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Tình báo và Chiến lược tại Wasington đánh giá "chưa rõ cuộc khủng hoảng trong ngành tòa án của Pakistan có lan rộng hay không, tuy nhiên sự kiện này đã tác động mạnh tới vị thế bất khả chiến bại mà ông Mushrraf có được cho đến nay".

 

Đe dọa tới khả năng kiểm soát quyền lực của Tổng thống Musharraf đang làm dấy lên những lo ngại trong chính quyền Mỹ về việc liệu quan hệ chiến lược giữa hai nước, vốn rất hiệu quả với sự phối hợp của ông Musharraf, có thể duy trì được lâu dài hay không.

 

Ông Marvin Weinbaum, cựu chuyên gia về Pakistan thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nói: "Mối quan hệ chiến lược Mỹ-Pakistan đang trong giai đoạn bất ổn. Nó phụ thuộc quá nhiều vào vận mệnh chính trị của Tổng thống Musharraf, vào một chính quyền quân sự mà tính hợp pháp ngày càng có vấn đề và phải đối mặt với những thách thức dữ dội trong nước.

 

Chính quyền Mỹ đã bác bỏ mọi nguy cơ trước mắt về việc ông Musharraf bị lật đổ. Tuy nhiên Quốc hội Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát không muốn mạo hiểm như vậy.

 

Chủ tịch Ủy ban Nam Á của Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sỹ Gary Ackerman, nói: "Điều chúng ta thực sự cần ở Pakistan là một người nữa để đàm phán... Chính quyền Bush dường như chỉ đối thoại với Tổng thống Musharraf và coi ông ta như một nhân vật không thể thay thế. Trên thực tế, vì những mục tiêu mà chúng ta cần đạt được tại Pakistan, chúng ta nên có nhiều kênh đối thoại hơn".

 

Một số thượng nghị sỹ hàng đầu của đảng Dân chủ đã gửi một bức thư cho ông Musharraf, yêu cầu ông này đảm bảo rằng cuộc bầu cử sắp tới phải công khai và tự do với sự tham gia của hai đảng phái lớn của các cựu Thủ tướng lưu vong Benazir Bhutto và Nawal Sharif.

 

Bà Lisa Curtis thuộc Viện Heritage Foundation có trụ sở tại Wasinhton cho biết Mỹ nên mở rộng các mối quan hệ với một loạt lãnh đạo dân sự Pakistan. Mặc dù trước mắt, quân đội Pakistan có thể không chấp nhận một chính phủ dân sự, nhưng Washington nên đặt ra các điểm mốc để bắt đầu hạn chế vai trò của quân đội trong đời sống chính trị ở nước này.

 

Liên quan tới vấn đề bầu cử, Chủ bút "Nhật báo Thời đại" tại Pakistan, ông Najam Sethi nói: "Những lựa chọn đối với Musharraf lúc này rất rõ ràng. Hoặc mở rộng dân chủ hoặc đàn áp mạnh mẽ hơn. Dân chủ hơn có nghĩa là từ bỏ vai trò đứng đầu quân đội và có thể nuôi dưỡng các liên minh với các chính trị gia tiến bộ như cựu Thủ tướng lưu vong Benazir Bhuto. Đàn áp nhiều hơn có nghĩa là chôn vùi cam kết tổ chức bầu cử Quốc hội và hội đồng cấp tỉnh một cách tự do và công bằng trong năm nay hoặc đầu năm tới".  

 

Theo giới phân tích, để đạt được mục đích của mình, ông Musharraf có vẻ không ngần ngại sử dụng các biện pháp cứng rắn. Tuy nhiên, nếu đưa quân ra các đường phố, ông ta sẽ mất hết sự tin cậy của nhân dân.

 

Ông Weinbaum cảnh báo nếu Tổng thống Musharraf không giữ lời hứa "từ bỏ quân phục", tính hợp pháp của ông ta sẽ bị thách thức nghiêm trọng, "nếu không ở tòa án thì cũng trên đường phố".

 

Giới chuyên gia cho rằng dựa trên những điềm báo chính trị tại Pakistan, Mỹ đang có nguy cơ mất đi một đồng minh chủ chốt trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu nếu không nhanh chóng có những biện pháp đối phó thích hợp.

 

Kiến Văn