Mỹ có "lạnh gáy" vì Trung Quốc?
Mỹ đã có tuyên bố cứng rắn hơn sau khi Trung Quốc phô trương hàng loạt tên lửa, trong đó có những loại được đánh giá khiến Mỹ “lạnh gáy”.
Lực lượng pháo binh II (thực chất là tên lửa chiến lược) trở thành tâm điểm chú ý trong cuộc duyệt binh hôm 3/9 trên quảng trường Thiên An Môn.
Theo giới quân sự, trong cuộc duyệt binh này, Trung Quốc đã phô trương 7 loại tên lửa chiến lược, trong đó có những loại tên lửa lần đầu tiên được công khai như tên lửa tầm trung "Dong Feng-21D" (DF-21D). Đây là loại tên lửa chống hạm, được thiết kế riêng để tiêu diệt tàu sân bay.
Tên lửa DF-21D của Trung Quốc
Tiếp đến là tên lửa "Dong Feng-26" (DF-26) được Trung Quốc giới thiệu là "không chỉ có thể tấn công các loại tàu chiến cỡ lớn, mà còn có thể tấn công các tàu chiến tầm trung".
Những loại tên lửa này được nhận định là đang khiến người Mỹ cảm thấy "lạnh gáy".
DF-21D với tầm bắn khoảng 2.000 km có thể tấn công tàu chiến cỡ lớn đang di chuyển nên được mệnh danh là "sát thủ" của tàu sân bay.
Trong khi đó, tầm bắn của DF-26 đạt tới 4.000 km, có thể đem theo đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân.
Do tầm bắn của DF-26 có thể vươn tới căn cứ quân sự Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương, nên không ít chuyên gia phán đoán rằng trước khi nghiên cứu sản xuất DF-26, Trung Quốc đã xác định mục tiêu của nó chính là căn cứ Guam. Tuy nhiên, khả năng chống hạm của DF-26 hiện vẫn bị đặt dấu hỏi.
Ngay cả giới chuyên gia Mỹ thừa nhận tính đến thời điểm hiện tại, hải quân Mỹ chưa đưa ra được biện pháp đối phó hữu hiệu với các loại tên lửa nói trên của Trung Quốc, ít nhất là đối với DF-21D, chưa chưa nói đến DF-26 có tầm bắn gấp đôi.
Tên lửa DF-26 của Trung Quốc
Từ sau cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan vào những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu phát triển vũ khí nhằm ngăn chặn tàu sân bay Mỹ tiếp cận các khu vực gần Trung Quốc, trong đó bao gồm cả khu vực Eo biển Đài Loan.
Điều khiến Mỹ lo ngại là khi đã có trong tay các loại vũ khí ngăn chặn chiến lược như DF-26, năng lực tấn công tàu sân bay của Trung Quốc đang từ phạm vi bên trong chuỗi đảo thứ nhất sẽ có thể vươn ra chuỗi đảo thứ hai.
Một chuyên gia Mỹ có tên là Richad Fisher thậm chí còn đánh giá Trung Quốc đang ở thế "thượng phong" trong cuộc chạy đua vũ trang giữa "ngăn chặn" và "chống ngăn chặn" đang ngầm diễn ra giữa Bắc Kinh và Washington.
Chỉ 3 ngày sau lễ duyệt binh của Trung Quốc, báo chí đã cho đăng tải thông tin Washington đang xem xét khả năng đưa tàu chiến đến gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, động thái của Mỹ có thể nhằm đáp trả việc Trung Quốc điều 5 tàu hải quân tới sát bang Alaska của Mỹ.
Ngày 2/9, Lầu Năm Góc thông báo 5 tàu hải quân Trung Quốc đang hoạt động trong vùng biển Bering, gần hải phận của Mỹ, nhưng đã dừng lại trong vùng biển quốc tế, không tiến sâu vào vùng 12 hải lý của Mỹ.
Trung Quốc không còn "ngán" tàu sân bay Mỹ?
Tuy nhiên, đến ngày 4/9, Bộ Quốc phòng Mỹ lại cho biết là 5 tàu hải quân nói trên đã vào trong khu vực 12 hải lý, tức là vào trong hải phận của Mỹ.
Theo luật pháp quốc tế, các tàu nước ngoài có thể đi ngang qua vùng biển của nước khác, nếu những tàu này không có các hoạt động quân sự, theo nguyên tắc gọi là “đi qua vô hại”.
Các quan chức Mỹ xác nhận là các tàu hải quân Trung Quốc đã tuân thủ đúng nguyên tắc này. Nhưng sự hiện diện của tàu hải quân Trung Quốc gần sát vùng biển của Mỹ diễn ra vào lúc Tổng thống Barack Obama đang tới thăm bang Alaska.
Nhiều nhà quan sát coi đấy là một hành động khiêu khích từ phía Bắc Kinh.
Cho tới nay, Mỹ vẫn mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc về các hành động xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông và xem những tuyên bố khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh đối với các vùng biển xung quanh những đảo này là bất hợp pháp.
Theo Cao Tân
Đất Việt