Mỹ chỉ trích hành vi hung hăng, dọa trừng phạt Trung Quốc về Biển Đông
(Dân trí) - Mỹ cảnh báo có thể trừng phạt các quan chức và công ty Trung Quốc theo đuổi các yêu sách chủ quyền phi pháp trên Biển Đông.
“Mọi phương án đều được cân nhắc. Có khả năng thực hiện điều đó”, ông David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, phát biểu tại hội nghị của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế khi được hỏi liệu Mỹ có cân nhắc sử dụng các lệnh trừng phạt để kiềm chế Trung Quốc hay không.
“Có khả năng thực hiện điều đó (trừng phạt Trung Quốc). Hành động rõ ràng và thực chất, đó là thứ ngôn ngữ Trung Quốc hiểu được”, SCMP dẫn lời ông Stilwell nói thêm.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm chiến thuật cứng rắn với các nước nhỏ hơn và không tuân thủ các hiệp ước quốc tế, đã có tác động xa hơn ngoài khu vực khi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc mở rộng toàn cầu.
“Bạn có thể là một sinh viên đại học tại Australia, một nhà xuất bản sách ở châu Âu, một quản lý hiệp hội bóng rổ tại Houston. Bạn có thể làm việc cho một chuỗi khách sạn quốc tế, một công ty xe hơi Đức, hay một hãng hàng không Mỹ. Bất kể bạn ở đâu, Bắc Kinh ngày càng muốn đòi hỏi yêu sách, cưỡng ép và kiểm soát”, ông Stilwell nói thêm.
Trong bài phát biểu tại CSIS, ông Stilwell chỉ trích Trung Quốc lợi dụng dịch Covid-19 để thúc đẩy yêu sách tại Biển Đông.
“Trong những tháng gần đây, trong khi thế giới tập trung vào cuộc chiến chống Covid-19, Trung Quốc đã tăng cường chiến dịch áp đặt một trật tự “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” tại Biển Đông. Bắc Kinh đang tìm cách cản trở quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển khác và ngăn các nước này tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi trong khi các tài nguyên thuộc sở hữu của chính các nước này, chứ không phải của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn quyền thống trị cho chính họ. Họ muốn thay thế luật pháp quốc tế bằng sự đe dọa và cưỡng ép”, quan chức ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Theo trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, trong những tháng gần đây “Bắc Kinh đã làm đắm các tàu cá Việt Nam, triển khai tàu vũ trang ra quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi của Malaysia, sử dụng dân quân biển nhằm bao vây các tiền đồn của Philippine”.
Ngoài ra, ông Stilwell cho biết: “Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa với việc triển khai máy bay tại đây. Trung Quốc cũng thông báo các lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương. Nước này tiến hành các cuộc diễn tập quân sự gây bất ổn ở các vùng biển xung quanh các thực thể có tranh chấp. Trung Quốc tăng cường sử dụng các đảo nhân tạo làm căn cứ cho các hoạt động gây rối, cản trở các nước ven biển ở Đông Nam Á tiếp cận dầu, khí và nguồn cá”.
Ông Stilwell cũng chỉ trích việc Trung Quốc phớt lờ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông hồi năm 2016.
“Bắc Kinh đã tìm cách phủ nhận tính pháp lý và bỏ qua phán quyết này, dù họ có nghĩa vụ phải tuân thủ với tư cách là một bên phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982). Trung Quốc thích thể hiện họ là một quốc gia đề cao chủ nghĩa đa phương và các tổ chức quốc tế, nhưng họ đã bác bỏ phán quyết và xem nó như một tờ giấy lộn", trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói thêm.
Theo ông Stilwell, lập trường cứng rắn hơn của Mỹ với Trung Quốc đồng nghĩa với việc Washington “không còn tuyên bố rằng chúng tôi trung lập trong các vấn đề về hàng hải”.
“Khi Trung Quốc đặt giàn khoan ở vùng biển của Việt Nam hay Malaysia, chúng tôi sẽ đưa ra một tuyên bố rõ ràng về vấn đề này”, nhà ngoại giao Mỹ nói thêm.
"Trung Quốc tham vọng thống trị tài nguyên"
Liên quan tới các thỏa thuận “hợp tác chung”, ông Stilwell cho rằng Trung Quốc đang tìm cách “thống trị nguồn tài nguyên dầu và khí trên Biển Đông”. Để thực hiện điều này, theo ông Stilwell, Trung Quốc theo đuổi chiến dịch ngăn không cho các nước Đông Nam Á tiếp cận các nguồn dầu khí, ngoại trừ thông qua các thỏa thuận hợp tác chung mà các bên còn lại ngoài Trung Quốc sẽ gặp bất lợi hơn.
“Bằng việc hung hăng triển khai lực lượng quân sự, dân quân biển, các giàn khoan do nhà nước chỉ đạo, Trung Quốc tìm cách gia tăng rủi ro cho các công ty dầu khí nước ngoài muốn hoạt động ở Biển Đông, với hy vọng có thể đẩy được các công ty này ra khỏi cuộc cạnh tranh. Sau đó, Trung Quốc sẽ ép các nước khác phải chấp nhận hợp tác chung với các công ty nhà nước (Trung Quốc), đồng thời tuyên bố “nếu các ông muốn khai thác dầu khí ngoài khơi, các ông chỉ có lựa chọn duy nhất là hợp tác với chúng tôi”, ông Stilwell nhận định.
Ông Stilwell cũng đưa ra cảnh báo đặc biệt đối với khu vực bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp từ nhiều năm nay giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông.
“Bất kể động thái nào của Trung Quốc nhằm chiếm đoạt, cải tạo hay quân sự hóa bãi cạn Scarborough đều là động thái nguy hiểm và sẽ có hậu quả tồi tệ kéo dài đối với mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ, cũng như toàn khu vực”, ông Stilwell nói.
Nhà ngoại giao Mỹ cho biết hành vi “bắt nạt” của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở Biển Đông.
“Chúng ta có thể thấy điều đó tại biển Hoa Đông và xung quanh Đài Loan, nơi Bắc Kinh tăng cường các hành động khiêu khích và những lời đe dọa. Chúng ta có thể thấy ở dãy Himalaya, nơi Trung Quốc gần đây có hành động hung hăng với Ấn Độ tại biên giới. Chúng ta có thể thấy ở sông Mekong, nơi Bắc Kinh sử dụng các con đập khổng lồ để chặn nước cho các nước láng giềng ở Đông Nam Á, từ đó góp phần gây ra hạn hán kỷ lục trong lịch sử Mekong”, ông Stilwell nói.
Tuyên bố của trợ lý Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Lãnh đạo tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Hạ viện Mỹ cũng tuyên bố ủng hộ lập trường của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với vấn đề Biển Đông.
Thành Đạt
Tổng hợp