1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ chỉ thẳng Trung Quốc hiếu chiến nhất châu Á

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ thẳng Trung Quốc là nước hiếu chiến nhất châu Á với những hoạt động ngang ngược trên Biển Đông.

Ngang ngược trên Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 5/4 nhận định rằng các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã biến quốc gia này trở thành nước hiếu chiến nhất châu Á, đòi hỏi Washington phải tăng cường sự tham gia trong khu vực.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Washington, ông Carter nói: “Trong năm qua, Trung Quốc là quốc gia hiếu chiến nhất” trong khu vực, và Mỹ “đang phản ứng đơn phương trong khuôn khổ cân bằng”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter

Theo ông Carter, Mỹ đang được yêu cầu hành động như vậy nhiều hơn nữa và cam kết sẽ làm việc với các quốc gia muốn hành động nhiều hơn cùng với Mỹ".

Ông Carter giải thích rằng các lực lượng Mỹ đã đẩy mạnh sự hiện diện quân sự trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như một phần của tiến trình “xoay trục sang châu Á” hay còn gọi là chiến lược “tái cân bằng” của Tổng thống Barack Obama.

Theo ông, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực duy nhất có thể gây nhiều hệ lụy nhất đối với Mỹ, do đó Washington cam kết duy trì hòa bình và an ninh ở đó là “hoàn toàn cần thiết”.

Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được đưa ra sau khi hãng Tân hoa xã của Trung Quốc mới đây đăng bình luận lớn tiếng kêu gọi “tỉnh táo và kiềm chế”, thay vì tham gia tùy ý "với những động cơ ích kỷ", gây nguy hiểm cho sự ổn định khu vực và làm tổn hại lợi ích của tất cả các quốc gia trong khu vực!

Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động phi pháp và ngang ngược trên Biển Đông
Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động phi pháp và ngang ngược trên Biển Đông

Động thái ngang ngược mới nhất của Trung Quốc là việc nước này thông báo bắt đầu đưa vào hoạt động ngọn hải đăng trên đá Subi - một trong các đảo nhân tạo do nước này bồi đắp trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ngọn hải đăng cao 55 m trên đá Subi được khởi công từ tháng 10 năm ngoái.

Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã tiến hành một loạt hoạt động quân sự chính thức trên Biển Đông khiến nhiều quốc gia trong khu vực đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ.

Giới phân tích lo ngại đây là những dấu hiệu Bắc Kinh đang chuẩn bị thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông vào cuối năm nay trước khi Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) - vốn được cho là sẽ "trói tay" Trung Quốc - được ký kết.

Theo nhận định, Bắc Kinh đang tận dụng thời gian còn lại để phát triển năng lực của mình trên Biển Đông trong khi tìm cách kéo dài quá trình đàm phán. Chính vì vậy, cần giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong khi đó, phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc sẽ không làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Nếu phán quyết có lợi cho Philippines, gần như chắc chắn Bắc Kinh sẽ bác bỏ và coi đây là một lí do biện hộ cho lập trường cứng rắn hơn của họ ở Biển Đông.

Ngược lại, nếu phán quyết có lợi cho Trung Quốc, đó sẽ được coi là "sự chấp thuận (tạm thời) của cộng đồng quốc tế" cho những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông và càng khiến Bắc Kinh có nhiều hành động gây mất ổn định hơn nữa.

Gây rối khắp nơi

Không chỉ rắp tâm thực hiện mưu đồ ở Biển Đông, Trung Quốc cũng đang khiến tình hình khu vực căng thẳng khi liên tiếp có các hành động không phù hợp ở Biển Hoa Đông.

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc (CCG) ngày 6/4 đã đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku tranh chấp, mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư, trên Biển Hoa Đông.

Tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc xuất hiện gần Senkaku
Tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc xuất hiện gần Senkaku

Theo Sở chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển khu vực 11 tại Naha, tỉnh Okinawa, đây vụ xâm phạm thứ 9 trong năm nay của Trung Quốc, xảy ra vào lúc 10 giờ 10 phút sáng 6/4.

Theo nguồn tin, một trong những tàu Trung Quốc trên có trang bị nhiều súng. Một tàu tuần tra của JCG đã cảnh báo các tàu Trung Quốc phải rời khỏi vùng biển này.

Trước đó, hôm 4/4, Nhật Bản đã thành lập một đơn vị đồn trú của Lực lượng Phòng vệ trên Bộ ở đảo Yonaguni, cực Tây nước này, cách quần đảo Senkaku 150 km, nhằm theo dõi chặt chẽ các hoạt động trên biển gia tăng của Trung Quốc.

Một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cùng ngày 6/4 cho biết, tại một hội nghị thượng đỉnh sắp tới, Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7) sẽ bày tỏ quan ngại về hoạt động xây dựng và triển khai vũ khí của Trung Quốc ở Biển Đông.


Chiến hạm USS Lassen của Mỹ tham gia tuần tra trên Biển Đông

Chiến hạm USS Lassen của Mỹ tham gia tuần tra trên Biển Đông

Trong tuyên bố về an ninh hàng hải dự kiến được công bố sau 2 ngày diễn ra hội nghị tại thành phố Hiroshima, Ngoại trưởng nhóm G-7 sẽ bày tỏ phản đối mạnh mẽ việc đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và các quyền hàng hải thông qua sử dụng những lời đe dọa hoặc vũ lực.

Ngoài ra, Ngoại trưởng nhóm G-7 cũng sẽ bày tỏ quan ngại về tình hình tại Biển Hoa Đông, nơi tàu Trung Quốc thường xuyên xâm nhập lãnh hải của Nhật Bản gần khu vực quần đảo Senkaku.

Nguồn tin trên cho biết thêm, Ngoại trưởng nhóm G-7 cũng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, cũng như xác nhận cam kết về tự do hàng không trong bối cảnh có tin cho rằng Trung Quốc có thể lập ADIZ ở Biển Đông.

Theo Triều Tân

Đất Việt