1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ chỉ dám bóng gió về tương lai ông Assad?

Mỹ đang hối thúc Tổng thống Syria tỏ thiện chí trong phiên hòa đàm sắp tới, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ của Nga để thuyết phục ông Assad từ chức.

Mỹ hối thúc tổng thống Assad tỏ thiện chí trong hòa đàm

Ngày 5/4, phát biểu với báo chí, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh, vòng đàm phán sắp tới về hòa bình Syria sẽ là thử nghiệm để xem Tổng thống Syria Assad chứng tỏ tinh thần thiện chí trong đàm phán như thế nào với phe đối lập.

“Để đàm phán đạt kết quả thì điều quan trọng là Tổng thống Bashar Al -Assad phải thể hiện thiện chí trong các cuộc thương lượng”, ông Kerry khẳng định.

Cùng với đó, ngoại trưởng Mỹ cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ của Nga để thuyết phục Tổng thống Assad từ chức, coi đó là một trong những giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Trung Đông này.

Ông Kerry khẳng định, vòng đàm phán hòa bình bắt đầu ngày 11/4 tới sẽ phải đặt trọng tâm vào vấn đề chuyển tiếp chính trị tại Syria.

Trước đó, khi vòng đàm phán đầu tiên khép lại hôm 24/3, Tổng thống Assad cho biết, ông hy vọng rằng sau các cuộc đàm phán, Syria sẽ thiết lập được một Chính phủ mới trong đó có sự tham gia của phe đối lập và đầy đủ các thành phần dân tộc.

Mỹ hối thúc tổng thống Assad tỏ thiện chí trong hòa đàm
Mỹ hối thúc tổng thống Assad tỏ thiện chí trong hòa đàm

Hôm 30/3, sau khi giành được chiến thắng quân sự ở thành phố cổ Palmyra, miền Trung Syria, Tổng thống Assad đã úp mở rằng không khó để ông đồng ý lập một chính phủ mới có sự tham gia của các nhân vật đối lập.

Ngoài ra, theo ông Assad, một dự thảo hiến pháp mới có thể được hoàn chỉnh trong những tuần tới. Ngoài ra, một chính phủ gồm thành viên phe đối lập, nhân vật độc lập và người ủng hộ Damascus, có thể được nhất trí.

Nhà lãnh đạo Syria nhấn mạnh, ý tưởng về một chính phủ chuyển tiếp không có mặt ông là “vô lý và vi hiến”.

Trong phiên đàm phán hòa bình diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ kết thúc hôm 24/3, các bên vẫn chưa tìm ra tiếng nói chung vì còn nhiều mâu thuẫn liên quan đến tương lai của nhà lãnh đạo Damascus. Phiên họp tiếp theo vào ngày 11/4 tới được kỳ vọng sẽ tạo thêm bước ngoặt để chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài suốt 5 năm qua tại Syria.

Mỹ bóng gió với Nga về tương lai ông Assad?

Tuyên bố của Washington được đưa ra trước thời điểm vòng đàm phán hòa bình mới về Syria tại Geneva được nối lại vào ngày 11/4. Giới phân tích cho rằng, Nhà Trắng muốn thông qua lời nhắc nhở này để bóng gió với điện Kremlin về lập trường của Mỹ khi quan điểm giữa các bên còn nhiều mâu thuẫn.

Thực tế ngay thời điểm ông Kerry đưa ra lời răn đe với Tổng thống Assad, Moskva đã có thái độ đáp trả gần như ngay lập tức.

Trong cuộc hội đàm với Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách vấn đề Syria Staffan de Mistura diễn ra hôm 5/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moskva sẽ ủng hộ các nỗ lực của ông de Mistura nhằm thúc đẩy cuộc đàm phán trực tiếp và đa đại diện giữa các bên trong cuộc xung đột Syria.

Tiếp đó, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, tái khẳng định quan điểm rằng số phận của Tổng thống Assad phải do nhân dân Syria quyết định, đồng thời cần tạo điều kiện cho quyết định này.

Mỹ đang bóng gió với Nga về tương lai của ông Assad.
Mỹ đang bóng gió với Nga về tương lai của ông Assad.

Thực tế đây không phải là lần đầu tiên Washington có những thông điệp gửi tới Nga xung quanh vấn đề từ chức hay tại vị của nhà lãnh đạo Damascus.

Hồi tháng 9 năm ngoái, trong cuộc gặp với người đồng cấp Anh tại London, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh yêu cầu Tổng thống Assad phải từ chức.

“Cách đây hơn một năm chúng tôi đã yêu cầu ông Assad chấp nhận từ chức, nhưng thời điểm và cách thức chuyển giao quyền lực sẽ được đàm phán và quyết định tại cuộc họp ở Geneva. Thời điểm đó không nhất thiết phải ngay hôm sau hoặc tháng tiếp theo, nhưng các bên liên quan sẽ phải ngồi lại đàm phán và tìm giải pháp chung”.

Vào thời điểm này, Nga vẫn kiên quyết lập trường của mình về việc để nhân dân Syria tự quyết định tương lai của mình.

Đến tháng 10 năm ngoái, trước thềm đối thoại về Syria giữa các bên, Washington tiếp tục khẳng định muốn tìm một giải pháp chính trị tại quốc gia Trung Đông này, bắt buộc Tổng thống Assad phải ra đi.

Tuy nhiên trước lập trường cứng rắn và những thành công trong cuộc không kích IS của Nga và quân đội Syria, Nhà Trắng đã từng bước phải xuống nước, nhún nhường điện Kremlin.

Ngày 19/10, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra thông báo tuyên bố Mỹ sẽ không còn đòi hỏi Tổng thống Assad phải từ chức ngay lập tức như trước đây mà thay vào đó là một cuộc chuyển giao quyền lực “có trật tự” ở quốc gia Trung Đông này.

Không lâu sau đó, ngày 15/12, đích thân Ngoại trưởng John Kerry đã đến thăm Moskva. Ngoài chuyện Ukraine, vấn đề cuộc nội chiến kéo dài tại Syria cũng tốn nhiều thời gian của 2 bên.

Từ đầu năm 2016, khi lực lượng không quân Nga và quân chính phủ Syria tấn giành quyền làm chủ trên nhiều mặt trận như Aleppo, Homs, Palmyra, tiếng nói của Washington trong vấn đề tương lai ông Assad ngày càng yếu ớt hơn.

Thay vì những tuyên bố gay gắt, lớn tiếng như trước, chính quyền Obama lựa chon các cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc riêng với điện Kremlin để cải thiện tình hình cũng như tìm cách giành thêm những đặc quyền, đặc lợi.

Tuy nhiên việc Nga trước sau như một, hết lòng vì nước đồng minh đã khiến Nhà Trắng gặp nhiều khó khăn trong những toan tính của mình.

Khi bị dồn vào thế khó, Ngoại trưởng John Kerry tiếp tục có chuyến thăm Moskva hôm 23/3 với nhiều toan tính mới. Tuy nhiên đáp lại sự hồ hởi của Nhà Trắng, điện Kremlin vẫn kiên định lập trường.

Kết thúc chuyến công du 2 ngày và nhiều cuộc họp bàn giữa các bên, Mỹ đã phải chấp nhận ý tưởng của Nga và tuyên bố không bàn thảo đến tương lai tổng thống Assad trong thời gian này.

Có thể thấy rằng, Nhà Trắng đã thay đổi nhiều cung bậc cảm xúc trong vấn đề ông Assad. Từ những tuyên bố cứng rắn, mạnh mẽ đến thời điểm này Washington chỉ có thể buông lời bóng gió với mong muốn nhận được những tín hiệu tích cực từ điện Kremlin. Tuy nhiên với Moskva, thỏa hiệp cùng Mỹ trong thời điểm này đồng nghĩa với thất bại.

Theo Trung Dũng (Tổng hợp)

Đất Việt