Mỹ chế tạo "mắt thần" không gian truy dò vũ khí siêu thanh
(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Mỹ ký hợp đồng với 2 nhà thầu quốc phòng nhằm khởi động dự án phát triển hệ thống vệ tinh không gian có thể xác định được vũ khí siêu thanh.
Sputnik đưa tin, 2 công ty L3Harris Technologies và Northrop Grumman đã được cơ quan Tên lửa Quốc phòng thuộc Lầu Năm Góc ký hợp đồng có giá trị lần lượt là 122 triệu USD và 155 triệu USD nhằm phát triển một nguyên mẫu vệ tinh cho hệ thống cảm biến không gian theo dõi siêu thanh và đạn đạo (HBTSS).
Hệ thống vệ tinh mới sẽ quay quanh Trái đất ở khoảng cách gần hơn nhiều so với các vệ tinh theo dõi trước đó của Washington, do vũ khí siêu thanh khó bị phát hiện hơn nhiều so với các vũ khí đạn đạo tiêu chuẩn.
Cả Nga và Trung Quốc đều có ít nhất một vũ khí siêu thanh đang trong biên chế quân đội. Một tên lửa được xem là có tốc độ siêu thanh nếu nó bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, ở mức Mach 5 (khoảng hơn 6.100 km/h). Trong khi đó, Mỹ nhiều lần thừa nhận đang "hụt hơi" trong cuộc đua vũ khí siêu thanh khi hiện tại mới đang phát triển những tên lửa và thiết bị phóng đầu tiên.
Theo hợp đồng, thỏa thuận của Lầu Năm Góc với 2 nhà thầu bao gồm một nguyên mẫu HBTSS có thể được phóng thử vào không gian trước tháng 7/2023.
HBTSS dự kiến sẽ tích hợp với hệ thống vệ tinh dò tìm siêu nhạy mà Cơ quan Phát triển Không gian Mỹ đang xây dựng nhằm phát hiện một vụ phóng vũ khí siêu thanh. Hệ thống này thậm chí còn nằm gần trái đất hơn HBTSS và sẽ phát hiện các diễn biến trên mặt đất để truyền dữ liệu mục tiêu nhằm hỗ trợ việc đánh chặn.
Trước đó, lực lượng Không gian Mỹ đã lên kế hoạch triển khai một loạt các vệ tinh phát hiện và liên lạc để theo dõi các sự kiện diễn ra trên bề mặt Trái đất, bao gồm cả việc phát hiện các vụ phóng vũ khí siêu thanh. Mạng lưới giám sát quân sự trên quỹ đạo này có thể bao gồm tới 1.000 vệ tinh.