1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ cáo buộc Nga, Trung là trùm gián điệp mạng

(Dân trí) - Giới chuyên gia an ninh mạng Mỹ đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc và Nga là hai trùm gián điệp mạng quy mô lớn với các mục tiêu nhắm tới là Mỹ và châu Âu.

Các chuyên gia an ninh mạng Mỹ đau đầu đối phó với tin tặc từ nước ngoài. (Ảnh minh họa)
Các chuyên gia an ninh mạng Mỹ đau đầu đối phó với tin tặc từ nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Những cáo buộc trên được giới chuyên gia an ninh mạng của Mỹ đưa ra trong hai báo cáo mới đây sau khi có thông tin khẳng định mạng của Nhà Trắng “có dấu hiệu bị tin tặc viếng thăm”.

“Chính phủ Trung Quốc và Nga chắc chắn đứng sau một mạng lưới tình báo tin học rộng lớn nhắm vào các mục tiêu của Mỹ và Châu Âu”, báo cáo viết.

Theo nhóm nhà nghiên cứu làm việc cho Công ty an ninh mạng Novetta Solutions của Mỹ, tác giả của một trong hai báo cáo, họ đã nhận diện được một nhóm tin tặc hoạt động tình báo cho "chính phủ Trung Quốc".

“Nhóm tin tặc ‘Axiom’ của Trung Quốc là tổ chức tình báo tin học rất chuyên nghiệp, có trình độ cao và kỷ luật chặt chẽ, hoạt động ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc”, ông Peter LaMontagne, Chủ tịch Novetta Solutions, giải thích.

Báo cáo của Novetta Solutions còn chỉ rõ đơn vị đỡ đầu cho tổ chức tình báo tin học này khi khẳng định “tổ chức phụ trách Axiom là một bộ phận của cơ quan tình báo Trung Quốc”.

Cách đây không lâu, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng đã cung cấp một thông tin tương tự cho Infragard, tổ chức phụ trách quan hệ đối tác giữa FBI và khu vực tư nhân. Theo đó,  FBI khẳng định các tổ chức tin tặc tấn công mục tiêu ở Mỹ hầu hết trực thuộc chính phủ Trung Quốc.

Trong khi đó, Công ty an ninh mạng FireEye (Mỹ) của Mỹ ra báo cáo khác khẳng định đã phát hiện các bằng chứng về mối liên hệ giữa hoạt động tình báo tin học và chính phủ Nga.

“Nhóm tin tặc Nga APT28 dường như đã tiến hành nhiều vụ đánh cắp sở hữu trí tuệ không phải vì lý do lợi nhuận kinh tế mà ngược lại, tập trung vào thu thập các thông tin có thể hữu ích đối với một chính phủ", các chuyên gia của FireEye nhận định.

Theo FireEye, từ năm 2007, nhóm tin tặc Nga này đã nhắm vào các thông tin nội bộ của các tổ chức an ninh, chính phủ và quân đội các nước. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch FireEye, ông Dan McWhorther,vẫn tỏ ra khá thận trọng khi đưa ra kết luận chính thức về sự dính líu của chính phủ Nga.
 
Ông Dan McWhorther: "Mặc dù có nhiều tin đồn về khả năng dính líu của chính phủ Nga trong các vụ tấn công tin học quan trọng nhắm vào các chính phủ và quân đội, nhưng cho đến nay có ít bằng chứng về mối liên hệ này".
 
Vũ Anh
Theo AP