1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ cáo buộc Nga thử tên lửa suýt gây nguy hiểm cho trạm ISS

(Dân trí) - Mỹ cáo buộc Nga đã tiến hành một vụ thử tên lửa "nguy hiểm", tạo ra hàng nghìn mảnh vỡ khiến các thành viên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) phải tìm cách né tránh.

Mỹ cáo buộc Nga thử tên lửa suýt gây nguy hiểm cho trạm ISS - 1

Tàu không gian Crew Dragon của SpaceX tiếp cận trạm vũ trụ quốc tế ISS. (Ảnh minh họa: AP).

Các quan chức Mỹ ngày 15/11 cho biết, Washington không được thông báo trước về vụ thử tên lửa chống vệ tinh của Nga, vụ thử thứ 4 như vậy của Moscow. Mỹ cảnh báo sẽ bàn bạc với các quốc gia đồng minh về cách ứng phó trong tương lai. 

Phát biểu về vụ việc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: "Nga thực hiện vụ thử tên lửa để phá hủy vệ tinh của chính mình". Theo ông, vụ thử tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ có thể theo dõi và hàng trăm nghìn mảnh vụn nhỏ hơn".

Theo nguồn tin, phi hành đoàn có mặt trên ISS - hiện có 4 người Mỹ, 1 người Đức và 2 người Nga - đã ngay lập tức được yêu cầu đóng cửa trạm, sau đó trú ẩn trên trạm, bật quy trình báo động tiêu chuẩn "trú ẩn an toàn" và chuẩn bị có thể buộc phải sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Họ di chuyển đến tàu vũ trụ Dragon và Soyuz và trú ẩn tại đó trong khoảng 2 giờ, NASA cho biết.

Theo công ty phân tích vũ trụ Seradata, mục tiêu của tên lửa là Cosmos 1408, một vệ tinh tình báo tín hiệu mà Liên Xô phóng lên quỹ đạo năm 1982 và đã không còn hoạt động trong nhiều năm. Nga đã sử dụng tên lửa chống vệ tinh (ASAT) cho nhiệm vụ này.

Năm 2019, Ấn Độ cũng từng thử tên lửa chống vệ tinh vào một mục tiêu, gây ra hàng trăm mảnh vỡ là "rác không gian". Trước đó, vào năm 2008, Mỹ bắn hạ một vệ tinh để đáp trả việc Trung Quốc trình diễn một vụ việc tương tự vào năm 2007.

Hiện có hơn 4.500 vệ tinh đang quay quanh trái đất. Các công ty như SpaceX cũng đang lên kế hoạch phóng lên tới hàng chục nghìn vệ tinh nữa, khi ngành công nghiệp vũ trụ tư nhân phát triển nhanh chóng.

Động thái này làm dấy lên lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang ngày càng gia tăng giữa các ông lớn trong mọi lĩnh vực, từ việc phát triển các vệ tinh có khả năng đẩy các vệ tinh khác ra khỏi quỹ đạo cho đến vũ khí laser.

Nga đang ngày càng linh hoạt hóa các cơ chế hoạt động trong không gian khi nỗ lực khẳng định lại vị thế toàn cầu dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin. Năm ngoái, London và Washington cáo buộc Moscow đã thử nghiệm một vệ tinh "búp bê Matryoska" để theo dõi một vệ tinh của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc đang phát triển một vệ tinh gọi là Shijian-17, được trang bị cánh tay robot có thể "tóm" các vệ tinh khác.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bất chấp những căng thẳng này, Mỹ và Nga vẫn duy trì mối quan hệ bền chặt trong lĩnh vực không gian kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, và hợp tác chặt chẽ trên trạm vũ trụ quốc tế ISS".