1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ cảnh báo xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd

Washington mô tả xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria là “không thể chấp nhận” và phải dừng lại.

Đặc phái viên của liên minh chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ dẫn đầu Brett McGurk hôm 28-8 kêu gọi tất cả các bên ngừng tấn công lẫn nhau, đồng thời đề ra biện pháp giảm thiểu xung đột cũng như mở các kênh liên lạc.

Ông McGurk cho biết các cuộc đụng độ xảy ra ở những nơi không có sự hiện diện của IS làm dấy lên quan ngại sâu sắc. Ông khẳng định Mỹ "không tham gia và cũng không hỗ trợ các hoạt động này".

Tuần trước, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch tiễu trừ “bọn khủng bố" IS và người Kurd kể từ khi vượt qua biên giới vào Syria.

Hôm 23-8, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) tái chiếm TP Jarablus từ tay IS, sau đó lấn sang các ngôi làng lân cận do người Kurd kiểm soát.

Xe bọc thép của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển ở Karkamis, giáp biên giới Syria ngày 27-8. Ảnh: REUTERS
Xe bọc thép của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển ở Karkamis, giáp biên giới Syria ngày 27-8. Ảnh: REUTERS

Chưa rõ mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ có phải là lập một vùng đệm ở Bắc Syria hay không. Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus ngày 29-8 tuyên bố nước này không có ý định ở lại lâu dài ở Syria.

“Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một nước xâm lược. Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định tham gia chiến tranh" - ông Kurtulmus nói, đồng thời cho biết Ankara muốn ngăn chặn việc thiết lập một hành lang trải dài từ Iraq đến vùng rìa Địa Trung Hải do lực lượng người Kurd kiểm soát.

Mới đây nhất, hôm 28-8, hàng chục người đã thiệt mạng trong chiến dịch không kích của Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực người Kurd kiểm soát gần TP Jarablus. Một nhóm giám sát cho biết ít nhất 41 dân thường và 4 tay súng đã thiệt mạng, trong khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng 25 người, tất cả đều là chiến binh người Kurd, đã tử vong.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook hôm 29-8 tuyên bố Mỹ đã yêu cầu Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) trở lại bờ Đông sông Euphrates và lực lượng này "đang thực hiện". Chính vì vậy, YPG cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ "kiếm cớ để xâm lược Syria”.

Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh của NATO và liên quân Mỹ nhưng do Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd nên xảy ra mâu thuẫn giữa Ankara và Washington. Trong cuộc họp báo ngày 29-8, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik nói: "Không ai có quyền bảo chúng tôi phải chiến đấu với tổ chức khủng bố nào".

Cùng ngày 29-8, lực lượng do Ankara hậu thuẫn đã chọc sâu vào miền Bắc Syria. Họ tiến về TP Manbij, cách phía Nam biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 30 km.

Chiến dịch chống lại người Kurd ở Syria của Thổ Nhĩ Kỳ có thể châm ngòi cho xung đột giữa Ankara với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang hoạt động bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo P.Nghĩa/Reuters, BBC

Người Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm